Với sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, ngay từ đầu năm 2022, Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Nhiều nghị quyết đã được ban hành với nhiều định hướng quan trọng, trong đó có mục tiêu: Đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ những tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 25/5/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1211, tính đến hiện nay, Việt Nam đã có 05 thành phố đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cơ quan Trung ương đã ban hành 86 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa chính, sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định; qua đó, đã giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm được 563/11.162 đơn vị hành chính cấp xã, khắc phục triệt để tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính, được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định của Nghị quyết số 1211 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với thực tiễn; cũng như chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2023.
Theo đó, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
(1) Quy mô dân số: Từ ngày 01/01/2023, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên (giảm 500.000 người so với Nghị quyết số 1211).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh, tổng dân số của Khánh Hòa vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 1.231.107 người, trong đó nam chiếm 49,75% và nữ chiếm 50,25%. Toàn tỉnh hiện nay đang có 32 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 95,3%; dân tộc Raglai chiếm 3,4%; dân tộc Hoa chiếm 0,86%; dân tộc Cơ-ho chiếm 0,34%; dân tộc Ê-đê chiếm 0,25%... Như vậy, Khánh Hòa đã đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số của thành phố trực thuộc Trung ương.
(2) Diện tích tự nhiên: Thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên (Quy định này không có sự thay đổi so với Nghị quyết số 1211).
Bao gồm cả phần đất liền và hơn 200 đảo, quần đảo, Khánh Hòa hiện có diện tích tự nhiên là 5.197km2, xếp trung bình so với cả nước và đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên của thành phố trực thuộc Trung ương.
(3) Đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố trực thuộc Trung ương: Từ ngày 01/01/2023, thành phố trực thuộc Trung ương có:
- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc từ 09 đơn vị trở lên.
- Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.
So với Nghị quyết số 1211, Nghị quyết số 27 đã giảm 02 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và quy định bắt buộc có ít nhất 02 quận.
Tính đến thời điểm hiện nay, Khánh Hòa có tổng số 9 huyện, thị xã, thành phố (gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Trường Sa) và 139 xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, Khánh Hòa hiện chỉ có 02 thành phố (Nha Trang, Cam Ranh) và 01 thị xã (Ninh Hòa), chiếm tỉ lệ 33,3% so với tổng số 09 đơn vị hành chính cấp huyện. Để đạt tỉ lệ 60% theo quy định, tỉnh ta cần phấn đấu thêm 03 đơn vị hành chính tương đương quận, thị xã, thành phố. Và trong 09 đơn vị hành chính cấp huyện, phải có ít nhất 02 quận.
(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
Khánh Hòa là tỉnh được định hướng là đô thị trực thuộc Trung ương. Định hướng này đã được Bộ Chính trị nêu tại Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo đó, mục tiêu đến năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương) và được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 về phê duyệt kế hoạch phân bổ đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030 (dự kiến tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị).
Tuy nhiên, theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ, Khánh Hòa hiện nay chỉ được dự kiến phân loại đô thị loại I vào giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, tiêu chí này Khánh Hòa chưa đạt được. Cần tiếp tục nghiên cứu, xác định nguồn lực đầu tư, nhanh chóng đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 – có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2023).
(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cần đạt:
Trên cơ sở so sánh tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn tới với mức tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể nhận thấy:
a) Về cân đối thu chi ngân sách:
Nếu Nghị quyết số 1211 quy định tiêu chí “cân đối thu chi ngân sách: Dư” thì Nghị quyết số 27 đã sửa đổi thành: “cân đối thu chi ngân sách: Đủ”.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.270 tỷ đồng (bằng 102,12% dự toán) và tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương ước được 8.484,61 tỷ đồng (bằng 79,82% dự toán). So với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách tăng 23,23% và chi ngân sách nhà nước địa phương tăng 5,41%, đảm bảo các nhu cầu triển khai nhiệm vụ kinh tế, chính trị của tỉnh.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Khánh Hòa đã đạt tiêu chí về cân đối thu chi ngân sách theo quy định.
b) Về tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế:
Nghị quyết số 27 quy định tỷ trọng này phải đạt 90%.
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh dần chuyển dịch từ nông – lâm – thủy sản sang khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng. Trong năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (31,13%) và ngành dịch vụ (44,9%) chiếm 76,03% cơ cấu kinh tế. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% (tăng 1,68% so với cùng kỳ); ngành dịch vụ chiếm 46,61% (tăng 1,58% so với cùng kỳ).
Như vậy, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ hiện nay (năm 2021 đạt 76,03%, 9 tháng đầu năm 2022 đạt 77,81%) là chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định (90%).
c) Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường:
Nghị quyết số 27 quy định tỷ lệ này phải đạt 90%.
Tính đến cuối năm 2020 , tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của tỉnh là 73,2%, theo đó: có 172,1 nghìn lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; có 115,7 nghìn lao động làm việc trong ngành công nghiệp và có 354,7 nghìn lao động làm việc trong ngành dịch vụ.
Trong thời gian đến, tỉnh ta đang đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, theo đó: giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 77,97% và giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 81,91%. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí là thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ mà tỉnh đặt ra chưa đạt mức tiêu chuẩn theo quy định. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, có định hướng và lộ trình điều chỉnh các cơ cấu thành phần, phấn đấu đạt tỷ lệ theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
d) Về thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước:
Nghị quyết số 27 quy định tiêu chí này phải đạt 1,75 lần.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Khánh Hòa đạt khoảng 3,154 triệu đồng, giảm khoảng 17% so với năm 2019. Năm 2021, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố, Khánh Hòa có thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 3,235 triệu đồng, tăng khoảng 2,57% so với năm 2020 nhưng mức thu nhập này hiện vẫn thấp hơn so với vùng (3,493 triệu đồng/người/tháng) và cả nước (4,205 triệu đồng/người/tháng), chưa đạt mức tiêu chuẩn theo quy định.
e) Về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 03 năm gần nhất:
Nghị quyết số 27 quy định tỷ lệ này phải đạt bình quân của cả nước.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 27.932 hộ nghèo (năm 2016) xuống còn 6.968 hộ nghèo (năm 2020), mức giảm trung bình 1,56%/năm.
Theo kết quả rà soát hàng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của Khánh Hòa năm 2020 là 2,09%, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (2,75%); năm 2021 là 1,69%, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (2,23%). Có thể thấy, công tác giảm nghèo của tỉnh ta đang được triển khai theo đúng lộ trình. Cùng với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội ban hành riêng cho Khánh Hòa (tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa), theo đó cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thì 02 huyện miền núi này sẽ có thêm nguồn lực đầu tư, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh. Thời gian đến, Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh giảm ½ quy mô hộ nghèo so với năm đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025; 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4-5%/năm ; tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh duy trì mức giảm từ 1% - 1,5% hàng năm.
g) Về mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm gần nhất
Nghị quyết số 27 quy định tỷ lệ này phải đạt bình quân của cả nước.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa trong các năm 2020 và 2021. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GRDP bình quân của Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020 đạt 4,75%/năm, thấp hơn tốc độ tăng GRDP chung của vùng (6,34%/năm) và cả nước (6,63%/năm). GRDP của tỉnh năm 2020 giảm 10,5% và năm 2021 giảm 5,58% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu ước tăng so với cùng kỳ, nổi bật là GRDP tăng 20,48%, là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang). Như vậy, ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh, lộ trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta đã và đang đi đúng hướng với tốc độ khẩn trương.
Như vậy, theo Nghị quyết số 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Khánh Hòa hiện còn 03/05 tiêu chuẩn chưa đạt. Để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Khánh Hòa cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, phấn đấu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội), trong đó, cần lưu ý việc phát huy những động lực tăng trưởng mới dựa vào nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Đồng thời, khẩn trương cập nhật những quy định mới của Nghị quyết số 26 (tiêu chuẩn để đánh giá đô thị loại I) và Nghị quyết số 27 (tiêu chuẩn để đánh giá thành phố trực thuộc Trung ương) để có lộ trình, kế hoạch thực hiện. Mặc dù, 02 Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 nhưng đây là việc làm cần thiết và cấp bách; giúp chúng ta chủ động trong việc xây dựng các phương án và tính toán nguồn lực đầu tư phù hợp, khi mà thời gian để hoàn thành mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 đề ra chỉ còn 08 năm.
Hiện nay, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có các nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, tạo cơ sở pháp lý, quản lý quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà. Các cơ chế, chính sách đặc thù, các đề án quy hoạch quan trọng (như Quy hoạch tỉnh, Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm…), các dự án đường cao tốc (như Vân Phong - Nha Trang, Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa…) khi được triển khai sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới và nền tảng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển đột phá trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trân trọng cảm ơn./.