
Qua thời gian thi hành Luật Đất đai 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014; với 14 Chương và 212 Điều của Luật, công tác quản lý đất đai đã đạt được một số kết quả quan trọng, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Điều đó được thể hiện ở các nội dung:
Thứ nhất, hạn chế được việc giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất; quản lý sử dụng đất đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bước đầu đã khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí;
Thứ hai, các chính sách về đất đai bao gồm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư,… đã có chuyển biến rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được coi trọng, giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay có một số nội dung quy định tại Luật Đất đai đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện, thực thi thi hành pháp luật; một số vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh… như:
Một là, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện “đưa đất đai” vào sử dụng bền vững để mang lại lợi ích cao nhất, thực hiện đồng thời hai chức năng: điều chỉnh các mối quan hệ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất đặc biệt với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội kết hợp bảo vệ đất và môi trường. Tuy nhiên, mối quan hệ phối hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch đất quốc phòng, an ninh vẫn còn nhiều bất cập và chưa được thống nhất. Mặt khác, một số nội dung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện cũng đang được quy định tại Luật Quy hoạch.
Hai là, theo quy định của pháp luật đất đai hiện nay, trong công tác bồi thường của Nhà nước khi thu hồi đất có quy định Nhà nước sẽ bồi thường cho người sử dụng đất nếu đủ điều kiện được bồi thường. Việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hay bằng tiền theo giá đất cụ thể còn tùy thuộc đối với địa phương có đủ điều kiện về quỹ đất. Với quy định như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bị thu hồi đất và cũng hạn chế các phương án bồi thường của địa phương khi địa phương còn nhiều quỹ đất nhưng không có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất thu hồi.
Ba là, việc giải quyết sự chồng chéo trong quy định giữa Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đầu tư vẫn chưa được giải quyết kịp thời v.v…
Nhận thấy việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, do đó tại công văn số 569/TTg-PL ngày 30/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổng kết thi hành Luật Đất đai, theo đó Thủ tướng chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai để đảm bảo cơ sở xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi theo Quyết định số 548/QĐ-BCĐ ngày 29/12/2020.
Như vậy, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, cần tập hợp, xây dựng, hệ thống hợp nhất lại các văn bản quy phạm pháp luật vì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quá nhiều, chồng chéo như hiện nay và mong muốn luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tích hợp thành bộ luật./.
Hồng Nhung