Ngày 10/12/2021, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá VII, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được diễn ra và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hoà.
Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hoà thực hiện việc đăng tải câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và văn bản trả lời của người được chất vấn.
I. NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỐI VỚI ÔNG NGUYỄN TẤN TUÂN – CHỦ TỊCH UBND TỈNH
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Lê Thị Mai Liên – Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh
Thực hiện chính sách bóc tách, thu hồi đất để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, những năm qua, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa đã được giải quyết cơ bản đất sản xuất để có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo sinh kế bền vững. Theo tổng hợp, đến nay, tổng diện tích đất bóc tách để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất tại các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa gần 9.625 ha. Trong đó, gần 2.587 ha đã giao, công nhận quyền sử dụng đất; hơn 6.825 ha chưa giao, đang do UBND cấp huyện quản lý; hơn 203 ha đã bóc tách nhưng chưa có quyết định thu hồi đất. Đây là những vấn đề bất cập tồn tại qua nhiều năm mà cử tri ở 02 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Được biết, nguyên nhân chính của vấn đề “đất bóc tách mà chưa giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang cần đất sản xuất” do:
- Một là, người dân đã xâm canh sử dụng ổn định lâu năm từ trước khi bóc tách.
- Hai là, không có kinh phí đền bù để thu hồi đất.
Vậy, đề nghị Ông cho biết tỉnh đã có giải pháp gì trong thời gian đến để giải quyết nhằm thực hiện triệt để, có hiệu quả việc giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang thực sự cần đất để sản xuất.
Nội dung trả lời: Văn bản số 12527/UBND-XDNĐ ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh.
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Hảo – Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
2.1. Được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở nhà, đất trước đây là trụ sở các cơ quan thuộc ngành dọc do Trung ương quản lý như Cục Thuế tỉnh (địa chỉ số 05 Pasteur), Kho bạc Nhà nước tỉnh (địa chỉ số 26 Hoàng Hoa Thám)… không còn sử dụng do đã chuyển sang trụ sở mới. Các cơ sở này hiện đang xuống cấp, được giao cho một số đơn vị sử dụng một phần và tạm thời. Do đó, xảy ra tình trạng tài sản đất đai, nhà ở công của Nhà nước chưa được sử dụng hết công năng và tiết kiệm.
Xin ông cho biết, trong thời gian đến, UBND tỉnh có giải pháp gì để giải quyết và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài sản đất đai, nhà ở công của Nhà nước.
2.2 Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương đầu tư dự án Khu trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT và UBND thành phố Nha Trang đã ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án. Năm 2019, tỉnh đã có thông báo đồng ý chủ trương chấm dứt đầu tư dự án do không cân đối được nguồn vốn và hình thức thực hiện dự án theo hợp đồng BT trước đây không còn phù hợp. Qua hơn 05 năm chậm triển khai thực hiện, một số quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng; đồng thời, khu vực dự án đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở trái phép. Năm 2020, UBND thành phố Nha Trang phải tổ chức cưỡng chế hơn 100 nhà ở trái phép tại đây.
Xin ông cho biết, UBND tỉnh có giải pháp gì để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tránh kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại khu vực trên.
Nội dung trả lời: Văn bản số 12632/UBND-XDNĐ ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
3. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Trần Ngọc Sanh – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Theo phản ánh của cử tri, Chủ tịch UBND đã chốt thời hạn di dời Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara của Công ty Sovico Khánh Hòa vào cuối năm 2021 nhưng đến nay đã cuối năm 2021, nhưng khu nghỉ dưỡng này vẫn chưa thực hiện di dời.
Đề nghị Ông cho biết:
a) Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara di dời thời di điểm nào?
b) Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời khu nghỉ dưỡng này?
Nội dung trả lời: Văn bản số 12526/UBND-XDNĐ ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh.
II. NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỐI VỚI ÔNG ĐINH VĂN THIỆU – PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Trần Việt Trung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh
1.1. Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm tổn thương và thay đổi nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Trước thực trạng đó, vấn đề mang tính đột phá được Tỉnh ủy xác định là việc triển khai thực hiện “Cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số”. Ngày 19/10/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về vấn đề phát triển kinh tế số, xã hội số. Được biết hiện tỉnh đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030, trong đó có vấn đề xây dựng đô thị thông minh. Liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, có hai vấn đề xin hỏi Ông:
a) Xin Ông cho biết việc tổ chức thực hiện như trên đã được xem xét kết quả tổ chức thực hiện và còn hiệu lực hay không đối với Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm thành phố Nha Trang theo mô hình thành phố thông minh.
b) Liên quan đến Quyết định số 1848/QĐ-UBND, có hai vấn đề quan trọng, cốt lõi: “Giải pháp công nghệ đồng bộ để lựa chọn áp dụng phù hợp với địa phương và đào tạo con người đủ trình độ tương ứng”. Hiện tỉnh đã và đang xây dựng một số ứng dụng như: cổng thông tin ứng dụng GIS, thư viện số 3D, phần mềm lưu trú… và trong kế hoạch trình HĐND tỉnh năm 2021, có “Dự án xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Khánh Hòa”. Xin Ông cho biết, việc chưa lựa chọn được giải pháp công nghệ chung, cụ thể là chưa có Đề án tổng thể nhưng vẫn triển khai các dự án thành phần thì UBND tỉnh đã có biện pháp đánh giá rủi ro về việc không còn phù hợp giải pháp công nghệ; tính hiệu quả so với nguồn vốn ngân sách lớn đầu tư.
1.2. Gắn liền với dải đất liền hình chữ S xinh đẹp của Việt Nam có 4 điểm đặc thù: Cực Bắc, Cực Tây, Cực Nam và Cực Đông. Quyết định số 13/2005/QĐ-BVHTTDL ngày 25/3/2005 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích cấp quốc gia đối với Mũi Đôi – Hòn Đầu. Đã từ lâu, các địa phương bạn đã đầu tư xây dựng và khai thác tốt di sản là sản phẩm du lịch đặc thù, được du khách rất quan tâm lựa chọn. Đối với Mũi Đôi – Hòn Đầu, hiện chưa được đầu tư gì, nhưng được biết là hàng năm, nhất là dịp 30/4 – 01/5, có rất nhiều bạn trẻ ưa thích, lựa chọn là hành trình du lịch trải nghiệm.
Xin Ông cho biết, UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư và khai thác di tích này như thế nào? Theo thông tin có được, cùng với điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng chung Vân Phong, vị trí Mũi Đôi – Hòn Đầu hiện thu hút đầu tư cho một số tập đoàn lớn. Hơn nữa, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng không có kế hoạch đầu tư xây dựng cho di tích này./.
Nội dung trả lời: Văn bản số 12595/UBND-KGVX ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
III. NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỐI VỚI ÔNG NGUYỄN ANH TUẤN – PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh
Dự án Ocean View tại đường Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang có diện tích gần 3,7ha, trong đó có 69 lô đất biệt thự, mật độ xây dựng cho phép từ 40% đến 60% và chỉ được xây dựng với chiều cao từ 01 đến 03 tầng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng vào giữa năm 2019 xác định trong 40 lô đã và đang xây dựng tại dự án này có đến 22 biệt thự vi phạm về quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, trong đó có 13 biệt thự xây dựng vượt phép từ 4 đến 8 tầng, mật độ xây dựng từ 80% đến 100%.
Trước sai phạm của dự án trên, trong năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 14 quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả. Theo đó, yêu cầu phải gỡ phần công trình xây dựng vi phạm, vượt tầng của 13 biệt thự, tuy nhiên, các chủ công trình vi phạm bất chấp pháp luật và tiếp tục xây dựng hoàn thiện các biệt thự.
Trước bức xúc của dư luận và cử tri về việc chậm trễ xử lý vi phạm tại dự án Ocean View (theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ), UBND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 4/2020 đã yêu cầu thành phố Nha Trang hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại dự án Ocean View trước ngày 30/6. Tuy nhiên, hiện các công trình vi phạm tại dự án vẫn tồn tại. Thậm chí, một số công trình đã “kịp” hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đồng chí cho cử tri biết:
a) Các công trình này sẽ được giải quyết và xử lý như thế nào trong thời gian đến?
b) Cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm như trên? Nên chăng UBND tỉnh chuyển cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh để thực thi pháp luật về việc cố tình vi phạm của quy hoạch và Luật Xây dựng đã được quy định.
Nội dung trả lời: Văn bản số 12540/UBND-XDNĐ ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh.
IV. NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỐI VỚI ÔNG ĐÀO XUÂN LUÂN – GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Trần Ngọc Sanh – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh:
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình vi phạm trật tự xã hội diễn biến khó lường, đối mặt với những khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề mới đặt ra, trong đó nạn trộm cắp vặt diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng nông thôn có biểu hiện gia tăng. Hầu hết các địa phương, người dân rất bức xúc trước nạn trộm cắp vặt, bởi các đối tượng rất táo tợn nhưng lực lượng Công an xã chính quy ở từng xã, phường “mỏng”, địa bàn hoạt động rộng.
Đề nghị Ông Giám đốc cho biết giải pháp khắc phục và phòng, ngừa tình trạng này trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh:
2.1. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua và ban hành một số Nghị quyết về việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa những công trình của Tỉnh đội và Bộ đội Biên phòng tỉnh. Về phía Công an tỉnh Khánh Hòa, thực tế hiện nay, trên địa bàn quy hoạch về đất để đầu tư xây dựng bến bãi kho lưu trữ dùng để bảo quản các tang vật, vật chứng, đặc biệt là các phương tiện vi phạm an toàn giao thông như xe máy, ô tô và các hiện vật khác nhằm phục vụ công tác điều tra, xử lý những vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, các bến bãi, kho lưu trữ đều không đảm bảo để bảo vệ tài sản tạm giữ. Hầu hết để ngoài trời và không có mái che. Việc bảo quản các hiện vật đang còn nhiều bất cập đối với ngành.
Đồng chí cho biết Công an tỉnh đã phương án hay kế hoạch đề xuất đối với Bộ Công an, UBND tỉnh hỗ trợ quy hoạch quỹ đất và xây dựng kho lưu trữ để sớm khắc phục tình trạng này, bởi đó cũng là tài sản của Nhân dân, cũng giúp cho công tác điều tra, xử lý, xác minh được chính xác và đúng pháp luật.
2.2. Từ năm 2018, Bộ Công an đã có quyết định và triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc và triển khai xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị (trên toàn quốc với 20,000 chiến sĩ đến nay đã lên đến 34,000). Tại tỉnh Khánh Hòa, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Bộ, đưa Công an chính quy về các xã, thị trần và cho thấy hiệu quả tích cực về đảm bảo an ninh trật tự, được cử tri trên toàn tỉnh ghi nhận và biểu dương. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các xã và thị trấn, lực lượng Công an chính quy còn rất mỏng, bởi số dân cư đông và địa bàn rộng, chỉ có từ 3-6 chiến sĩ công tác trực chiến 24/24h, kinh phí hỗ trợ còn hạn chế ngoài chế độ lương cơ bản. Nhiều trường hợp vì áp lực thời gian và khó khăn về kinh tế, xa địa bàn cư trú với gia đình đã không đảm bảo sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đã xin nghỉ. Trước kia số Công an xã có từ 5-11 người, nay đã nghỉ việc để thay thế và tăng cường lực lượng Công an chính quy.
Đồng chí cho biết, trước tình hình thực tế nêu trên, Công an tỉnh Khánh Hòa đã có phương án và kế hoạch hỗ trợ kinh phí, cũng như tổ chức tuyển chọn, tận dụng số Công an xã trước kia đã làm việc tốt tại địa bàn để tăng cường cho lực lượng hiện tại.
Nội dung trả lời: Văn bản số 5606/BC-CAT-PV01(TMTH) ngày 09/12/2021 của Giám đốc Công an tỉnh.
V. NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỐI VỚI ÔNG TẠ HỒNG QUANG – GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thủy Quỳnh – Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh:
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Việc ban hành, triển khai các chế độ, chính sách và công tác cứu trợ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 đã được tỉnh thực hiện kịp thời, giúp đỡ người dân tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc tạo ra dư luận chưa đúng trong người dân, như:
- Công tác tuyên truyền cho người dân biết và hiểu về các chế độ, chính sách.
- Việc hướng dẫn thực hiện các văn bản về chế độ, chính sách cho các thôn, tổ dân phố; các xã, phường, thị trấn chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, dẫn đến sự chậm trễ, bỏ sót đối tượng được hỗ trợ.
Tôi xin được hỏi Giám đốc Sở như sau:
a) Hiện nay, tỉnh ta đang trong giai đoạn thích ứng mới của phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nào để giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch?
b) Những trường hợp người dân thuộc diện được hỗ trợ nhưng bị bỏ sót hồ sơ hoặc sai đối tượng hỗ trợ, tỉnh sẽ có những biện pháp nào để giải quyết các trường hợp này?
Đồng thời, cũng đề nghị: Việc ban hành chính sách cần khảo sát, rà soát đối tượng thụ hưởng rõ ràng. Đi cùng với đó, cần hướng dẫn kỹ để cơ sở không gặp vướng mắc khi triển khai.
Nội dung trả lời: Văn bản số 3132/SLĐTBXH-LĐVL ngày 09/12/2021 của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.