Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VII đã dược diễn ra vào sáng ngày 09/12/2022 dưới sự điều hành của ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Nhiều nhóm vấn đề “nóng” đã được đưa ra chất vấn đối với các thành viên của UBND tỉnh như: tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học; đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp; giải quyết các dự án chậm tiến độ; quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao; phòng chống bạo lực gia đình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hòa đăng tải một số vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toàn khai mạc phiên chất vấn
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các bếp ăn trường học, khu công nghiệp, khu tập trung nhiều công nhân
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 29/11/2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 665 ca bệnh liên quan đến sự việc ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang. Về quá trình điều trị, có 276 ca bệnh khám và được chỉ định theo dõi tại nhà; có 389 ca bệnh nhập viện điều trị, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Sự việc này là hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học và khả năng đáp ứng các nguồn lực y tế. Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Xuân Trang đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của ngành y tế và các giải pháp ứng phó đối với các tình huống cấp bách trong tương lai.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Xuân Trang đặt câu hỏi chất vấn
Đăng đàn trả lời đầu tiên, ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, liên quan đến vấn đề quản lý vệ sinh ATTP thuộc trách nhiệm của 3 ngành: Y tế, Công thương và Nông nghiệp và phát triển nông thôn; hiện đã có nhiều văn bản quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm của các ngành, địa phương về vấn đề này. Đối với vụ ngộ đọc thực phẩm xảy ra tại trường Ischool Nha Trang, để tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn tại bếp ăn tập thể, trường Ischool Nha Trang đã hợp đồng với hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Nha Trang. Theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý, kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Nha Trang.

Giám đốc Sở Y tế Bùi Xuân Minh trả lời chất vấn
Với cương vị là người đứng đầu ngành y tế của tỉnh, ngay sau khi tiếp nhận sự việc, Giám đốc Sở Y tế đã khẩn trương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai công tác thu thập thông tin, nắm bắt tình hình; đồng thời, phối hợp với Phòng Y tế và Trung tâm y tế thành phố Nha Trang triển khai các biện pháp nghiệp vụ như: kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường Ischool Nha Trang; vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường, đặc biệt là khu vực bếp ăn tập thể… Để phục vụ công tác điều trị các bệnh nhân, Sở Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra, phối hợp với Viện Pasteur tiến hành lấy mẫu, điều tra dịch tễ các ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm và xác định nguyên nhân gây bệnh. Trên cơ sở đó, chủ động tham gia, phối hợp với Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế kịp thời định hướng phác đồ điều trị. Qua vụ việc này cho thấy, việc chậm trễ trong thông tin báo cáo đến cơ quan chủ quản, địa phương, cơ quan chuyên môn của đơn vị xảy ra vụ việc đã ảnh hưởng đến công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân cũng như xử lý vụ việc.
Chưa thực sự đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Hồ Văn Mừng – Bí thư Thành ủy Nha Trang đề nghị UBND tỉnh làm rõ việc phân cấp quản lý đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh để tránh sự né tránh trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần xem xét việc ban hành quy định về điều kiện hoạt động của các bếp ăn tập thể, trong đó, chú trọng các tiêu chuẩn của bếp ăn, tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với các trường học để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các em học sinh. Một số đại biểu khác đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo việc diễn tập để kịp thời phản ứng khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; phải xác định các bước, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong xử lý các vụ việc ngộ độc thực phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh…
Cần xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội
Đại biểu Nguyễn Văn Bình – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu vấn đề về phát triển nhà ở xã hội: “Để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố rà soát các dự án triển khai, các dự án đã có vị trí, có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, các vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đã có giải pháp gì tham mưu UBND tỉnh trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng trên?”

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Nam Bình trả lời chất vấn
Ông Trần Nam Bình – Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc phát triển nhà ở và ổn định đời sống cho các đối tượng xã hội, vì vậy Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đén năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2030, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng 10.500 căn. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như: Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn như: trình tự thủ tục còn rườm rà, thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, không thực chất nên chưa thu hút, khuyến khích chủ đầu tư; ngân sách nhà nước khó khăn nên chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; việc phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức; nhiều doanh nghiếpản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…
Thực tế các vấn đề khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đang triển khai tham mưu UBND tỉnh phủ kín quy hoạch tại các địa phương, trong đó rà soát xác định quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại KCN Suối Dầu; hiện nay, tỉnh cũng đang xin chủ trương triển khai xây dựng dự án Nhà ở xã hội tại phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) với quy mô 85ha, khoảng 4.200 căn. Hiện, Sở cũng đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với tính hình phát triển kinh tế xã hội địa phương khi tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, xây dựng Đô thị mới Cam Lâm, dự kiến nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2030 của tỉnh khoảng 40.000 căn…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết thêm: Vừa qua UBND tỉnh đã tiến hành rà soát các dự án bất động sản, có đến 22/39 dự án chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ 20% diện tích quỹ đất làm nhà ở xã hội; UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải bố trí đủ 20% quỹ đất để kêu gọi đầu tư cho nhà ở xã hội. Trong điều kiện phát triển dân số đô thị, nhất thiết phải gắn với việc phát triển nhà ở, trong đó nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay rất lớn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ, kế hoạch triển khai cụ thể để tăng số lượng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quyết tâm không để tồn tại “vùng lõm” về dân cư trên các địa bàn
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Khánh Hòa có 28 xã vùng DTTS và miền núi, trong đó có 20 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 05 xã khu vực I; có 66 thôn đặc biệt khó khăn. So với giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2025 đã giảm 23 xã thuộc đồng bào DTTS và miền nũi; tăng 01 thôn đặc biệt khó khăn. “Điều này đồng nghĩa với việc, 23 xã đưa ra khỏi danh sách sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách ưu tiên về dân tộc và miền núi; người dân cũng không được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Thực tế ở 23 xã này, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào DTTS, nguy cơ tái nghèo cao. Do đó, tỉnh cần có chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội cho các địa phương này”, đại biểu Lê Thị Mai Liên – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh bày tỏ sự lo lắng.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lê Thị Mai Liên đặt câu hỏi chất vấn
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Mai Liên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu khẳng định việc chăm lo, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với 23 xã đưa khỏi danh sách các xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 là do tỷ lệ số hộ DTTS trong tổng số hộ địa phương dưới 15%.
Giải pháp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm ưu tiên đưa các xã trên vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó, người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các xã này sẽ thụ hưởng một số chính sách như: Hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu trả lời chất vấn
Đối với các địa phương có các hộ nghèo là đồng bào DTTS nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh): Các địa phương chủ động báo cáo cấp ủy đảng và các cơ quan đoàn thể, chính trị xã hội của địa phương xem xét, sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp (ngân sách, mặt trận, đoàn thể, cộng đồng dân cư, vốn huy động..) để hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo sớm giải quyết vấn đề nhà cho người dân…
Đồng chí Trần Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần nghiên cứu, rà soát có xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các các hộ đồng bào DTTS vầ các địa phương không còn thuộc danh sách các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; rà soát lại các chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi đang triển khai để có điều chỉnh cho phù hợp; không để tồn tại “vùng lõm”, có khoảng cách giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các thành phần dân cư khác trên các địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân trả lời chất vấn của đại biểu Mấu Văn Phi
Cũng liên quan đến việc đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, trả lời chất vấn của đại biểu Mấu Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh về việc tỉnh có tiếp thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS (dự án CRIEM) hay không, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Dự án CRIEM là dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, UBND tỉnh tiếp tục đeo đuổi dự này để có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2 huyện miền núi. Bên cạnh đó, hiện tình đang tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, 2 huyện miền núi còn có thêm nguồn lực từ nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có điều kiện tốt hơn hỗ trợ theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội để đầu tư phát triển…
Thực hiện: Phương Anh