Phan Gia Ngọc – Phó Chánh văn phòng HĐND tỉnh
Luật Tố cáo năm 2011 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012 (sau đây xin gọi tắt là Luật). Luật đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo quyền tố cáo của công dân. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi từ thực tiễn, quy định của pháp luật hiện hành về tố cáo, bảo vệ người tố cáo còn bộc lộ những hạn chế cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến những bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể:
- Về nguyển tắc giải quyết tố cáo (Điều 4)
Việc giải quyết tố cáo không chỉ bảo đảm an toàn cho người tố cáo mà còn bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp cuả cơ quan, tổ chức, công dân. Do đó, cần bổ sung thêm nguyên tắc: kết luận rõ đúng hay sai, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nếu tố cáo đúng” nhằm bảo đảm tính toàn diện, minh bạch trong việc giải quyết tố cáo
Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung lại Điều này như sau:
Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tố cáo
1. Việc giải quyết tố cáo phải kết luận rõ đúng hay sai, kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Phải xử lý hành vi vi phạm pháp luật nếu tố cáo đúng
2. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
- Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)
Khoản 1: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà đối với người tố cáo.
Khoản 8. Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.
Cần hợp nhất các quy định tại khoản 1 và khoản 8 lại với nhau thành 01 khoản. Vì đây là những hành vi mang tính liệt kê. Do đó, cần viết lại như sau:
Khoản 1: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà hoặc đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo đối với người tố cáo.
- Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo (Điều 9)
Điểm a khoản 1 Điều 9 của Dự thảo quy định: “1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Tố cáo theo quy định của Luật này với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012): “Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình làm việc thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng đó thì báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp”.
Vậy, với nhóm đối tượng nói trên, họ thực hiện quyền tố cáo theo Dự Luật hay buộc phải thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng? Họ có nghĩa vụ phải báo cáo nội bộ trước khi gửi đơn đến đúng địa chỉ cấp có thẩm quyền hay đến cơ quan hoặc cá nhân mà họ muốn? Cần làm rõ vấn đề này trong Dự thảo Luật.
- Về Thời hạn giải quyết tố cáo (Điều 29)
Thời hạn giải quyết tố cáo theo Dự Luật là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý và được gia hạn 01 lần không quá 30 ngày. Trường hợp đặc biệt thì được gia hạn giải quyết lần 02 không quá 30 ngày.
Như chúng ta biết, giải quyết tố cáo là hoạt động rất phức tạp, đòi hởi tốn rất nhiều thời gian và công sức thì thời gian giải quyết như theo Dự Luật và quá ngắn, không đủ, cần giữ nguyên thời hạn như Luật hiện hành.
- Về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ (Điều 48)
Cần bổ sung thêm phạm vi bảo về bao gồm cả: Uy tín, danh dự, nhân phẩm của người tốt cáo. Cụ thể:
Điều 48. Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ
1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe,uy tín, danh dự và nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự và nhân phẩm của những người này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc do việc tố cáo.
- Về Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo (Điều 52)
Tại khoản 3 của Điều 52 cần bổ sung thêm cụm từ: Và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định này nếu để xẩy ra thiệt hại đối với người tố cáo.
Cụ thể:
Điều 52. Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo
3. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải giải thích rõ lý do cho người tố cáo hoặc thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo Và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định này nếu để xẩy ra thiệt hại đối với người tố cáo.