Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VII đã xem xét, thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.
Quỹ đất công ích 5% được hình thành từ năm 1993 theo quy định tại Nghị định số 64 năm 1993 của Chính phủ quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; các địa phương cấp xã căn cứ vào quỹ đất nông nghiệp, đặc điểm và nhu cầu lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho nhu cầu công ích của địa phương. Qua giám sát tại các địa phương, đơn vị và làm việc với UBND tỉnh, Đoàn giám sát nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ông Trần Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát đã có cuộc trao đổi với Trang thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh Khánh Hoà về vấn đề này.
- Xin ông cho biết những đánh giá chung của Đoàn giám sát về công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh?
- Kết quả giám sát cho thấy, toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc trích lập quỹ đất công ích 5%; với tổng diện tích 2.582,58 ha, trong đó huyện Vạn Ninh có 570,81 ha, thị xã Ninh Hòa có 733,60 ha, TP. Nha Trang có 94,72 ha, huyện Diên Khánh có 550,94 ha, huyện Cam Lâm có 371,99 ha, TP. Cam Ranh có 89,79 ha, huyện Khánh Sơn có 1,4 ha và huyện Khánh Vĩnh có 169,33ha. Thực hiện quy định pháp luật đất đai qua các thời kỳ, một số địa phương đã tổ chức quản lý, sử dụng quỹ đất công ích khá hiệu quả; sử dụng hợp lý quỹ đất công ích phục vụ các công trình công cộng, bồi thường, hoán đổi cho người bị thu hồi đất, góp phần giảm kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án. Phần lớn quỹ đất công ích cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê sử dụng để sản xuất nông nghiệp tạo thu nhập và đóng góp vào nguồn thu ngân sách xã.
Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng quỹ đất công ích tại nhiều địa phương chưa đảm bảo quy định pháp luật; có nơi buông lỏng, để người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời; việc quản lý quỹ đất công ích manh mún, nhỏ lẻ, phân tán tại nhiều xã hầu như không thực hiện được. Việc cho thuê quỹ đất công ích chưa đảm bảo quy định như: không thông qua đấu giá, không đúng đối tượng, không có hợp đồng, vượt thời hạn quy định, cho thuê nhưng không ký hợp đồng… Bên cạnh đó còn có tình trạng, một số địa phương lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất công ích không đúng quy định pháp luật; người dân tự ý sử dụng, chuyển mục đích sử dụng; lấn, chiếm quỹ đất công ích để sản xuất, xây dựng, cơi nới nhà ở, lợi dụng để hưởng lợi từ chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án.
- Để nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh, đoàn có kiến nghị gì, thưa ông?
- Đoàn giám sát kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, có ý kiến đề nghị đến Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong đó quy định cơ chế xử lý đối với đất công ích 5% có diện tích nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, bị bỏ hoang do không canh tác được, nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Đối với UBND tỉnh, cần chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý đất công ích ở địa phương; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14 năm 2017 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh, tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị này để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với thục tế hiện nay. Chỉ đạo tổng rà soát, thống kê diện tích, tình hình quản lý, sử dụng đất công ích trong toàn tỉnh, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; chỉ đạo Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), phường Cam Phúc Bắc, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh), là những nơi có nhiều đơn thư liên quan đến công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích 5%; có chủ trương xử lý đối với các thửa đất công ích diện tích nhỏ, manh mún, phân bán, bị bỏ hoang vì khó sản xuất nhằm tạo điều kiện phù hợp để sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất; hướng dẫn các nội dung liên quan đến vướng mắc của các địa phương về quyết định công nhận đất công ích theo đúng quy định pháp luật đất đai để thống nhất, đồng bộ để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh về quản lý đất công ích...
-Xin cảm ơn ông!
Kim Nhạn (thực hiện)