Tại Kỳ họp chuyên đề diễn ra vào sáng ngày 02/12/2022, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thực hiện và cam kết phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ lết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh DT.709, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (viết tắt là Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng).
Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Mạnh Dũng đã có cuộc phỏng vấn với Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.

Ông Trần Mạnh Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh
PV: Được biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Vậy Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dự án trong việc phát triển kinh tế - xã hội của 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; cũng như, việc liên kết phát triển giữa 03 địa phương: Khánh Hòa – Ninh Thuận – Lâm Đồng?
Ông Trần Mạnh Dũng: Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng được đánh giá có vai trò rất quan trọng khi tạo ra không gian mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh; giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng; đồng thời tạo điều kiện tăng cường các phương án tác chiến, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Việc triển khai dự án sẽ góp phần thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính Trị, Chính phủ, Quốc hội về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án được đầu tư sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của đường Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn bên cạnh tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, kết nối liên vùng giữa Khánh Hòa với 2 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của 3 tỉnh. Bên cạnh đó, hình thành trục giao thông theo hướng Bắc – Nam, nối Tỉnh lộ 9 với đường Sông Cầu – Yang Bay (đường tỉnh ĐT.654C) ra Quốc lộ 27C (tuyến đường nối TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Dự án này còn hoàn thiện hệ thống giao thông liên huyện, liên xã trong khu vực tuyến đường đi qua; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối phát triển kinh tế - xã hội các địa phương theo tiêu chí dự án kết nối, có tác động liên vùng tại Nghị quyết số 973 năm 2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Tỉnh lộ 9 – Tuyến đường độc đạo hiện nay kết nối trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
PV: Xin Ông giới thiệu thêm một số thông tin sơ bộ về dự án này?
Ông Trần Mạnh Dũng: Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, cấp quyết định đầu tư dự án là Thủ tướng Chính phủ.
Sơ bộ, dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương cam kết bố trí thực hiện dự án khoảng 930 tỷ đồng); tổng chiều dài khoảng 56,9km (gồm 29,3km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh và 27,6km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn); quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 9m, phần mặt đường xe chạy 6m, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi; điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km 16+900 (cách sông Cầu 250m về phía Đông), thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận (giáp ranh giữa xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) và xã Phước Bình thuộc huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Tại kỳ họp này, dự án đã được các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận kỹ và biểu quyết thông qua. Bên cạnh thống nhất chủ trương triển khai thực hiện dự án này, tỉnh cam kết sử dụng gần 122 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và hơn 808 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2026-2030 để bố trí thực hiện dự án này. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp dự án tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm để hoàn thành dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Thực hiện: Phương Anh