Qua 03 năm tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản 2015, hoạt động ban hành văn bản quy phạm nói chung cơ bản đã “ đi vào nề nếp”, nhận thức của các cấp, ngành về tầm quang trọng của việc ban hành văn bản quy phạm theo đúng trình tự thủ tục luật định tiếp tục được nâng cao, góp phần đưa công tác này ngày càng “đi vào cuộc sống” theo bài bản và đúng luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấy, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Vì vậy việc ban hành dự thảo để sửa đổi, bổ sung Luật này là cần thiết. Tác giả trong phạm vi nhận thức, nêu một số các suy nghĩ góp ý sau:
1. Việc bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Khoản 3 Điều 4 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 là cần thiết.
Lý do: Trong quản lý nhà nước có nhiều lĩnh vực cần có sự phối hợp giữa ba cơ quan để đảm bảo sự thống nhất trong phối hợp, triển khai thực hiện và được điều chỉnh trong một văn bản nghị quyết liên tịch của 03 cơ quan mà không ban hành 02 văn bản liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với từng cơ quan về cùng một phạm vi điều chỉnh.
Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 8 và bổ sung khoản 8 a sau khoản 8 (Bổ sung liên tịch giữa giữa các chủ thể Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và việc ký văn bản liên tịch chỉ thực hiện khi có sự tham gia ban hành của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KKSND tối cao hoặc Tổng Kiểm toán nhà nước) để các cơ quan này có sự phối hợp ban hành văn bản điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thẩm quyền của chủ thể quản lý hành chính với chủ thể thực hiện quyền tư pháp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục về tố tụng và phòng, chống tham nhũng là phù hợp trên thực tiễn.
2. Luật Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam 2015 đã quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức này đó là chức năng giám sát và thực hiện phản biện xã hội (khoản 5 Điều 3) do đó, Dự thảo bổ sung cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo quyền phản biện chính sách của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trên thực tế là chính xác và đúng luật.
3. Khoản 3: Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền” sau nội dung “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó”. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý hiện nay, có nhiều văn bản không chỉ bị đình chỉ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền mà còn bị bãi bỏ bởi người có thẩm quyền (chức danh nhà nước có thẩm quyền), ví dụ: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bải bỏ VBQPPL của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp trên có thẩm quyền bải bỏ VBQPPL của UBND cấp dưới trực tiếp (Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương có quy định).
4. Khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật”. Quy định này vô hình trung cản trở cho việc thực hiện quyền của HĐND cấp tỉnh đã được Khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL (cho phép HĐND cấp tỉnh được ban hành chính sách) nhưng Khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 cấm cơ quan này ban hành TTHC dẫn đến chính sách ban hành nhưng thủ tục không được ban hành nên vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, đề nghị chỉnh sửa lại khoản 4 Điều 14 nêu trên thành: “4. Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được giao trong luật hoặc trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này”.
6. Tại Khoản 32: Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn, thực hiện chức năng tham mưu và “gác cổng” cho UBND Tỉnh trong quá trình thẩm định, tuy nhiên Dự thảo lại không đề cập đến cơ quan này khi quy định tại Khoản này . Vì vậy, đề nghị bổ sung cụm từ “của Sở Tư pháp” sau cụm từ “Báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết”.
7. Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật: Điều 151 Luật Ban hành VB QPPL chỉ quy định thời điểm có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc thông qua đối với VB QPPL của cơ quan nhà nước trung ương mà chưa đề cập đến văn bản do người có thẩm quyền ký theo chức danh (Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ) và đối với văn bản địa phương cũng chỉ quy định thời điểm có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành mà không có quy định đối với trường hợp hiệu lực kể từ ngày thông qua. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, đề nghị chỉnh lý lại như sau: Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, chức danh nhà nước ở trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã.
8. Đồng ý bổ sung một nội dung mang tính chuyển tiếp tại điều khoản hiệu lực thi hành của Điều 172 đối với các thủ tục hành chính đã được các cơ quan quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật ban hành được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới. Trường hợp sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC được ban hành trước ngày 1/7/2016 thì không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
9. Điều 154 Luật 2015 quy định văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.
- Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
- Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Với quy định tại trường hợp hai là chưa thống nhất với thực tiễn ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, có trường hợp do chính cơ quan ban hành nhưng cũng có trường hợp do cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ví dụ Nghị định của Chính phủ thay thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Luật của Quốc hội thay thế Pháp lệnh của UBTVQH.
Vì vậy, Dự thảo bổ sung cụm từ “hoặc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền” sau cụm từ “Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó” là phù hợp trên lý luận cũng như thực tiễn.
Việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL 2015 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng là thiết thực. Trên đây là vài suy nghĩ của tác giả, rất mong sự trao đổi của bạn đọc/./
Ngọc Gia