Bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát
của cơ quan dân cử
Ngọc Gia
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 thì: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Mục đích của hoạt động giám sát nhằm bảo đảm việc thực thi các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, quyết định của Ủy ban nhân dân (sau đây xin gọi là UBND) cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân (sau đây xin gọi là HĐND) ở địa phương đúng pháp luật, hợp pháp, hợp lý, nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả để qua đó khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc (nếu có), từ đó kiến nghị, đề xuất với các cơ quan Trung ương và địa phương quyết định các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn nhằm chấn chỉnh việc thực hiện áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thực hiện nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến nội dung: “bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của cơ quan dân cử” để “đi vào cuộc sống”.
Thể chế pháp lý giám sát của cơ quan dân cử đối với cơ quan hành chính nhà nước (sau đây xin gọi là HCNN) có vai trò quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và cơ chế giám sát Nhân dân đối với cơ quan HCNN nói riêng. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với cơ quan HCNN ghi nhận, chuyển tải quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về giám sát của Nhân dân thành các quy định pháp luật; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác trong cơ quan HCNN; góp phần bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính. Mặt khác, giám sát của cơ quan dân cử đối với cơ quan HCNN phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, lợi ích của Nhà nước, xã hội và phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trong bộ máy nhà nước, hoạt động của hệ thống các cơ quan HCNN có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. “Nó” tác động trực tiếp hoặc giám tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức và cá nhân. Do vậy, hoạt động giám sát đối với cơ quan HCNN là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật và tránh việc lạm dụng quyền lực hoặc không thực hiện công việc theo luật định được phản ảnh qua kết luận, kiến nghị giám sát .
Nội dung của kết luận, kiến nghị giám sát đã phản ánh đúng thực trạng khách quan của hoạt động hệ thống các cơ quan HCNN (sau khi đã được các chủ thể chịu sự giám sát theo quy định tại Điều 8 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp thu và giải trình thừa nhận) là đúng, là trúng đồng thời kiến nghị các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy kết luận, kiến nghị giám sát của cơ quan dân cử chậm được thi hành, kéo dài hoặc thậm chí không giải quyết nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giám sát nói riêng và hoạt động của cơ quan dân cử nói chung. Điều này thể hiện khá rõ nét qua việc nhận thức chung của một bộ phận không nhỏ của hệ thống các cơ quan HCNN và của người dân trong thời gian qua cho rằng các cơ quan dân cử này chỉ là hình thức, hoạt động khá mờ nhạt. Trong khi hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang diễn ra ở nhiều chỗ, nhiều nơi với các mức độ khác nhau, kết luận cứ ban hành còn việc thực hiện theo kết luận giám sát lại là việc khác. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở đây là tại sao lại có tình trạng như thế này?
Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát không quy định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể chịu sự giám sát mà chỉ cho chủ thể giám sát có quyền kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nếu kết luận giám sát không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu. Như vậy, rõ ràng là pháp luật chưa cho cơ quan dân cử quyền “điểm huyệt” khi ban hành kết luận giám sát mà chỉ mới dừng ở mức độ kiến nghị mà thôi. Theo tác giả, quyền kiến nghị là quyền của mọi chủ thể trong hệ thống chính trị, còn việc xử lý và giải quyết các nghị này hay không thì thuộc thẩm quyền của các cơ quan có chức năng cho nên mặc dù kiến nghị nhiều nhưng chẳng có một cán bộ hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm dẫu rằng đó là trách nhiệm chính trị vì quy định này của Luật đã “bó chân, bó tay” của kết luận giám sát. Do đó, có thể kết luận rằng là việc thực thi các kết luận giám sát của các cơ quan dân cử đã bị xem nhẹ vì không có chế tài, chưa “đủ đô” để triển khai trên thực tế.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát của cơ quan dân cử, theo tác giả cần phải tiến hành một số giải pháp sau:
1/ Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong việc chậm trễ giải quyết hoặc không giải quyết kết luận giám sát, kiến nghị, hoặc trả lời kiến nghị giám sát.
2/ Cần quy định rõ thời gian thực hiện công khai để tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung của cơ quan HCNN và người có thẩm quyền đối với các kiến nghị của kết luận giám sát của cơ quan dân cử.
3/ Đối với cơ quan dân cử đã ban hành kết luận giám sát phải chịu trách nhiệm về việc đôn đốc, theo dõi giám sát thi hành kết luận này. Đây là cơ sở pháp lý để đồng thời xem xét trách nhiệm của đối tượng bị giám sát cũng như trách nhiệm của cơ quan dân cử đối với Nhân dân trong khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ nhằm đảm bảo hoạt động giám sát và thực thi cùng triển khai, hoạt động hữu ích trên thực tế.

Ảnh minh họa