Ngày 02/6/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ghi tắt là UBTVQH) đã ban hành Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 quy định một số nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ghi tắt là Hướng dẫn 883).

So với Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 ngày 03/6/2016 của UBTVQH quy định một số nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2026 (ghi tắt là Hướng dẫn 1138), Hướng dẫn 883 đã quy định một số điểm mới trong việc tổ chức kỳ họp thứ nhất, HĐND các cấp, cụ thể như sau:
1. Thời gian tiến hành kỳ họp
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Hướng dẫn 883 yêu cầu việc tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, UBTVQH cho phép các địa phương căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện, tình hình thực tế, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong việc tổ chức kỳ họp thứ nhất, cụ thể:
- Đối với địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vẫn tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND theo hình thức tập trung nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Đối với địa phương áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà không thể tổ chức tập trung họp trong thời gian quy định (chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND) hoặc do có từ ½ tổng số đại biểu HĐND trở lên thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, địa phương có thể lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất đến khi có thể tổ chức được.
Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã, cấp huyện do Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp tỉnh do UBTVQH xem xét, quyết định.
2. Việc triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất
Ngoài việc quy định người triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất theo Hướng dẫn 1138, Hướng dẫn 883 bổ sung quy định về trách nhiệm của người triệu tập kỳ họp thứ nhất, theo đó:
“Người triệu tập kỳ họp tiến hành khai mạc và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chủ tọa kỳ họp có thể phân công người điều hành nội dung phiên họp”.
3. Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất
a) Thời gian gửi quyết định triệu tập và dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất đến đại biểu HĐND
Hướng dẫn 883 quy định thời hạn chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp (so với Hướng dẫn 1138 quy định chậm nhất là 10 ngày).
b) Chuẩn bị nội dung kỳ họp
Nếu Hướng dẫn 1138 cho phép các địa phương lựa chọn việc tổ chức phiên họp trù bị hoặc không tùy vào tình hình thực tế thì Hướng dẫn 883 nêu rõ: “Trước khi khai mạc kỳ họp chính thức, Hội đồng nhân dân tiến hành phiên họp trù bị để quyết định nội dung chương trình kỳ họp và thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan. Thời gian, chương trình, nội dung, thành phần tham dự phiên trù bị do Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 hoặc Triệu tập viên quyết định”.
Bên cạnh đó, liên quan đến công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp, điểm mới tại Hướng dẫn 883 chính là quy định về việc Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021 hoặc Triệu tập viên quyết định việc tổ chức họp với các cơ quan hữu quan về chuẩn bị nội dung kỳ họp.
c) Các công việc tại kỳ họp thứ nhất
Các công việc tại kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 về cơ bản không khác so với những nội dung được quy định tại Hướng dẫn 1138. Tuy nhiên, Hướng dẫn 883 đã bổ sung nội dung “Chủ tọa kỳ họp mời đại diện lãnh đạo cấp ủy Đảng cùng cấp phát biểu” sau khi HĐND nghe các báo cáo của UBBC cùng cấp.
4. Thành viên Ban kiểm phiếu
Ngoài việc quy định những người không được làm thành viên Ban kiểm phiếu như Hướng dẫn 1138, Hướng dẫn 883 đã bổ sung quy định số lượng thành viên Ban kiểm phiếu, cụ thể: HĐND cấp tỉnh bầu Ban kiểm phiếu có ít nhất là 07 thành viên; cấp huyện có ít nhất là 05 thành viên và cấp xã có ít nhất là 03 thành viên.
5. Công tác thư ký phục vụ kỳ họp
Đối với công tác thư ký kỳ họp, Hướng dẫn 883 đã có những quy định mới so với Hướng dẫn 1138, cụ thể:
“Công tác thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do cơ quan giúp việc Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện.
Chủ tọa kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân cấp xã lựa chọn 01 hoặc 02 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để thực hiện công tác thư ký kỳ họp và báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị (nếu có) hoặc tại phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Vị trí bàn làm việc của thư ký kỳ họp được đặt ở vị trí thuận lợi, phù hợp để thực hiện nhiệm vụ”.
6. Về việc ký ban hành nghị quyết
Khác với Hướng dẫn 1138, Hướng dẫn 883 đã không quy định về vấn đề này.
Thực hiện: Phương Anh