PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỐI ĐA HAY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỐI ƯU?
Nguyễn Thị Hoàng Diệp
Trong những ngày qua, liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về diễn biến bão, tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố Nha Trang. Mưa như trút nước, mưa dồn dập, lượng mưa lên đến 380mm chỉ trong một khoảng thời gian ngắn của rạng sáng ngày 18/11/2018. Những từ như: “lịch sử”, “nghiêm trọng”, “kinh hoàng” được liên tục nhắc đến trong hàng loạt bài báo, phóng sự cũng như hằn trong lời nói, trên gương mặt của người dân tại khu vực sạt lở, của người dân toàn thành phố Nha Trang và lãnh đạo địa phương.
Tất cả những đề án, những dự án kinh tế khi triển khai đều nhắc đến cụm từ “Phát triển bền vững”. “Phát triển bền vững” được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu xây dựng đề án, dự án kinh tế, là cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh Khánh Hòa.
Về cơ sở lý luận, phát triển kinh tế là một trong ba trụ cột của phát triển: kinh tế - xã hội – môi trường. Thuật ngữ "phát triển bền vững" được công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới vào năm 1980 với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".
Mục tiêu của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên: phát triển bền vững về kinh tế; phát triển bền vững về xã hội; phát triển bền vững về môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển bền vững là vòng tròn giao thoa giữa ba vòng tròn lấy ba tâm là phát triển bền vững về kinh tế; phát triển bền vững về xã hội; phát triển bền vững về môi trường.
Tổ chức này đã đưa ra các nguyên tắc phát triển bền vững nhằm phục vụ cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng. Gồm có các nguyên tắc sau: (1) Nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân: yêu cầu chính quyền phải hành động để ngăn ngừa các thiệt hại về môi trường ở bất cứ nơi đâu xảy ra. Nguyên tắc này cho rằng công chúng có quyền đòi hỏi chính quyền với tư cách là tổ chức đại diện cho họ phải có hành động ứng xử kịp thời với các sự cố môi trường. (2) Nguyên tắc bình đẳng giữa các thế hệ: Đó quyền cốt lõi của phát triển bền vững. Việc thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại không phương hại đến nhu cầu của tương lai. Nguyên tắc này phụ thuộc vào sự áp dụng tổng hợp các nguyên tắc khác của sự phát triển bền vững. (3) Nguyên tắc phòng ngừa: Ở những nơi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, phải có biện phát ngăn ngừa đề phòng kể cả các biện pháp chi phí, khi chúng ta còn nghi ngờ tác động môi trường của phát triển thì cần phải có biện pháp phòng ngừa tương ứng với mức độ tác động xấu nhất.
Thực tế thì thế nào? Theo báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa, những con số tăng trưởng kinh tế dương hàng năm đầy phấn khởi, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, công việc tạo mới hàng năm luôn ở mức cao và ổn định, tạo việc làm mới cho khoảng 11.500 người. Nhưng môi trường tự nhiên được bảo vệ ra sao? Tất cả những đề án, những dự án kinh tế luôn có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền. Là sự phản biện không đủ mạnh mẽ của các bên liên quan khi đóng góp ý kiến cho những đề án, những dự án này. Thậm chí là có cả sự tiếp sức của một số người dân, của một số khu dân cư khi hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm và cho rằng cuộc sống còn quá nhiều điều khó khăn cần phải giải quyết trước mắt. Nhưng những đỉnh núi trống lốc, sườn núi trơ trụi vẫn hiện diện đập vào mắt của người dân đầy ngạo nghễ và thách thức. Cả dãy núi Chín Khúc, núi Cô Tiên, đồi Cảnh Long…đều chung tình trạng bạc trắng. Có người đã ví von, Nha Trang như một cô gái đẹp nhưng bị bệnh da liễu. Những vết lở loét ấy cứ ngày càng lan rộng, gây ngứa và đau đớn cho người dân địa phương. Những dự án đào núi và lấp biển, những khu đô thị mới liên tiếp san lấp mặt bằng, cốt nền cao hơn nhà dân xung quanh và mỗi khi mưa đến nơi thì sạt lở, nơi thì đường ngập, nhà dân ngập.
Mục tiêu của phát triển Khánh Hòa hiện nay dường như hướng đến phát triển kinh tế tối đa với mục tiêu lớn nhất là tăng trưởng kinh tế tối đa, là tối đa doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, phát triển nóng không còn là hiện tượng mà đã là bản chất khi đánh giá về phát triển kinh tế Khánh Hòa. Phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường tự nhiên đã dẫn đến kiềng ba chân không còn, chỉ còn lại sự chông chênh và đỉnh điểm là “hồ bơi vô cực đã vỡ”. Dòng nước lạnh lùng, buốt giá và hung hãn đã quét cuốn trôi mạng người, tài sản, để lộ ra hàm ếch của quản lý nhà nước về quy hoạch, khai thác tài nguyên, xây dựng và “bất ngờ” của chính quyền địa phương cùng với sự thảng thốt của người dân.
Một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra: Thực trạng phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa hiện đang là “phát triển kinh tế tối đa hay phát triển kinh tế tối ưu”, “trách nhiệm thuộc về ai”?