NHỮNG NỘI DUNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6
HĐND TỈNH KHÓA VI (Ngày 19/7/2018)
I. LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Lê Văn Dẽ – Giám đốc Sở Xây dựng:
“Công ty Hoàng Quân xây dựng nhà ở xã hội theo gói 30 nghìn tỷ của Chính phủ hỗ trợ cho người có thu nhập thấp là cán bộ, công nhân viên đến nay đã gần 2 năm chưa bàn giao nhà theo quy định? Nhiều hộ gia đình, cán bộ, công nhân viên lâm vào cảnh thuê mướn nhà ở và phải trả lãi ngân hàng. Công ty Hoàng Quân chỉ hỗ trợ một số tiền rất nhỏ (từ 400.000đ đến 500.000đ/tháng). Công ty Hoàng Quân đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công nhân viên. Xin đồng chí cho biết sự chỉ đạo sớm của UBND tỉnh về các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng trong thời gian tới?”
Nội dung trả lời:
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Thịnh đối với ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
“Tại Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh tháng 9/2017, tôi đã có câu hỏi chất vấn ông về dự án Khách sạn Vavisal và dự án Khu du lịch năm sao Đại Lãnh. Sau kỳ họp, tôi có nhận được văn bản số 8255/UBND-TH ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh trả lời câu hỏi chất vấn của tôi, nội dung cụ thể:
Đối với Dự án Vavisal: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc sử dụng đất của dự án để làm cơ sở xem xét giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật.
Đối với Dự án Khu du lịch năm sao Đại Lãnh: UBND tỉnh khẳng định việc xây dựng mới con đường cũng như bãi để xe… là cần thiết và sẽ được giao cho UBND huyện Vạn Ninh sớm nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Vậy đề nghị ông cho biết đến nay ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đã được triển khai chưa và kết quả giải quyết cụ thể như thế nào?
Xin trân trọng cảm ơn ông!”
3. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hải đối với ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh:
“Trong những năm qua, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã triển khai, đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn còn một số dự án chậm tiến độ. Xin ông cho biết giải pháp của UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới. Cụ thể các dự án như sau:
1. Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong được UBND tỉnh cho phép tiến hành chuẩn bị dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa tại Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 28/4/2009. Số trường hợp bị ảnh hưởng là 1030 trường hợp, với diện tích thu hồi là 311,8ha. Đến nay dự án chậm triển khai và chưa tiến hành việc chi trả, bồi thường cho người dân.
Tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3/2017, nội dung này đã được đại biểu HĐND tỉnh Tống Trân chất vấn, UBND tỉnh đã có tiếp thu và giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm việc với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để thống nhất việc ứng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với toàn bộ diện tích đất trên đảo Mỹ Giang, hoàn thành trong năm 2017 (tại văn bản số 144/TB-UBND ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa) nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Việc chậm triển khai công tác bồi thường đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây, cụ thể: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được phép đầu tư, các hộ dân không được phép xây dựng vì nằm trong vùng dự án.
Từ những tồn tại và khó khăn trên, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết những vấn đề sau:
- Ông cho biết khi nào thì dự án được triển khai và khi nào thì bố trí kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống.
- Nếu dự án không được thực hiện, đề nghị có chỉ đạo để thị xã Ninh Hòa sớm ban hành quyết định hủy quyết định thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để người dân sớm ổn định nơi ở và sản xuất để ổn định cuộc sống; cho phép địa phương đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh, hỗ trợ sửa chữa một số nhà ở cho các hộ nghèo, hộ khó khăn.
2. Đối với Dự án Nhà máy đóng tàu STX với diện tích khoảng 260ha tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa nằm trong quy hoạch khu kinh tế Nam Vân Phong. Dự án này đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng từ năm 2013 đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào vào đầu tư. Vậy xin ông cho biết trong thời gian tới tỉnh cần có giải pháp gì để kêu gọi đầu tư, tránh lãng phí quỹ đất trên và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế Nam Vân Phong?”
II. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Bình Hoàn đối với ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
“Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã bị thay đổi bởi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018.
Xin ông Giám đốc cho biết:
1. Đánh giá của ông về kết quả thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh thời gian qua (việc tham mưu, tổ chức thực hiện có kịp thời, đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hay không; có bao nhiêu doanh nghiệp, dự án được hỗ trợ đầu tư; tổng mức vốn đầu tư của các doanh nghiệp theo Nghị định số 210; tổng kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách…).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP). Theo quy định tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND sẽ không còn phù hợp sau khi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP đã bị thay thế bởi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Vậy xin ông cho biết Sở đã tham mưu triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đến nay ra sao? Khi nào sẽ trình HĐND tỉnh xem xét ban hành các cơ chế, chính sách theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương; quy định chính sách tín dụng tại địa phương; vốn cấp bù lãi suất hỗ trợ cho các dự án; mức vốn sử dụng ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp;
- Ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Xin cảm ơn ông./.”
III. LĨNH VỰC GIÁO DỤC
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng Diệp đối với ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
“Trong những ngày qua, “hồi hộp, căng thẳng” là tâm trạng chung của 384 học sinh trong danh sách được Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với UBND tỉnh về phương án tuyển bổ sung sau khi đã tuyển đủ số học sinh theo chỉ tiêu vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Nha Trang.
Xin ông cho biết:
1. Vì sao đã 3 năm rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn phải đề xuất với UBNd tỉnh về phương án tuyển bổ sung sau khi đã tuyển đủ số học sinh theo chỉ tiêu vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Nha Trang mà không có phương án chủ động, mang tính ổn định?
2. Trách nhiệm của ông, người đứng đầu cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong lĩnh vực giáo dục, vậy năm học đến, ông có dự định thay đổi phương thức tuyển sinh hay không?
Trân trọng cảm ơn ông./.”
IV. LĨNH VỰC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Bình Hoàn đối với ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
“Theo phản ánh của cử tri một số địa phương, việc nạo vét lòng hồ chứa thủy lợi những năm gần đây diễn ra ngày càng nhiều, các hoạt động này gây ồn ào, ô nhiễm môi trường do bơm hút, vận chuyển cát và tình trạng xả thải; đường xá hư hỏng, xuống cấp, kinh phí đóng góp cho xã không đáng kể, không kiểm soát được khối lượng cát tận thu… Ngoài ra, còn gây sạt lở, mất đất sản xuất của người dân tại khu vực các hồ chứa thủy lợi.
Các dự án nạo vét tận thu cát, sỏi trên đều phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường; đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như các dự án khai thác khoáng sản.
Vậy xin ông cho biết:
1. Ý kiến của ông đối với phản ánh, đề nghị của cử tri; giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc nạo vét, tận thu cát, sỏi tại các hồ chứa thủy lợi trong thời gian tới.
2. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép nạo vét, tận thu cát thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hay Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi?
Xin cảm ơn ông./.”
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
“1. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa các công trình xây dựng có nhu cầu lớn về vật liệu như đá, cát, sỏi… Việc khai thác tại mỏ đá Hòn Thị, khai thác cát dọc sông Cái hiện không được cấp giấy phép. Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự án chế tạo cát nhân tạo như tỉnh Quảng Ninh hay không? Hoặc sẽ lấy nguồn vật liệu xây dựng từ đâu để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng lớn tại tỉnh Khánh Hòa?
2. Theo Điều 18 của Luật Khoáng sản và Điều 17 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản có quy định: “Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc về UBND các cấp”. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 08/02/2017 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định: “UBND cấp huyện, cấp xã nếu để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn.”, “Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài”. Thực tế tình trạng khai thác cát trái phép dọc sông Cái vẫn diễn ra công khai tại địa bàn Khánh Vĩnh, Diên Khánh đến Nha Trang. Vậy đến nay, đã có Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm về diễn biến sai phạm kéo dài này chưa? Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến gì về việc này khi để kéo dài thực trạng trên?
3. Tại các phường Phước Hòa, Phước Hải… còn tồn tại rất nhiều các lò giết mổ gia súc tư nhân gây ô nhiễm môi trường, an toàn trật tự công cộng, gây bức xúc cho cử tri. Dự án Khu giết mổ tập trung có phải là “dự án quan trọng” của tỉnh Khánh Hòa không? Đến bao giờ mới thực hiện để đi vào hoạt động?
Xin cảm ơn đồng chí./.”
V. LĨNH VỰC LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thúy Quỳnh đối với ông Nguyễn Văn Danh – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
“Thời gian qua, khách du lịch quốc tế, nhất là khách Trung Quốc đến Khánh Hòa liên tục tăng cao. Tuy nhiên, thực tế nhiều người đến đây chỉ núp bóng du khách để hoạt động kinh doanh, hướng dẫn viên du lịch…
Là một Sở quản lý về vấn đề lao động và việc làm, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi xin được hỏi ông Giám đốc Sở về việc quản lý, kiểm soát vấn đề này như thế nào? Sở giải quyết vấn đề người nước ngoài lao động “chui” tại Nha Trang ra sao?”
VI. LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
“1. Việc di dời cây xăng Hoàng Diệu như UBNd tỉnh và Sở Giao thông vận tải đã hứa với cử tri nhưng hai năm nay vẫn chưa thực hiện. Xin đồng chí cho biết có kế hoạch thực hiện di dời hay không?
2. Việc lắp đặt đèn xanh, đỏ, đèn nháy, vạch dừng, giảm tốc độ tại đường 2/4 vào đường Ngô Đến, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã hứa trước cử tri sẽ hoàn thành trong quý I/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Xin ông cho biết ý kiến?
Xin cảm ơn ông./.”