Thực hiện Quyết định số 07/QĐ-BDT ngày 05/10/2022 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề: Tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; vừa qua, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, tiến hành giám sát tại các địa phương và có buổi làm việc với các Sở, ngành cấp tỉnh.
Sau giám sát, Đoàn đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu theo Kế hoạch UBND tỉnh đề ra. Trong đó đối với cấp mầm non, trẻ dân tộc thiểu số ra lớp tăng theo từng năm học và đều đạt 100%; huy động trẻ ra lớp trong hè cũng tăng theo hàng năm và đạt bình quân 50%. Chất lượng trẻ sau thời gian tăng cường tiếng Việt trong hè đạt 97,50%. Trẻ có khả năng nghe, nói tiếng Việt, hình thành một số kỹ năng như: tô, viết, nhận dạng 29 chữ cái và nhận biết được chữ số....

Giờ học tiếng Việt của các cháu tại Trường mẫu giáo Họa Mi, huyện Cam Lâm
Đối với cấp tiểu học: 100% các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số đã triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt trong năm học cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2, lớp 3; 37 trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số tổ chức tăng cường tiếng Việt trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; đã huy động được 7.650 trẻ/425 lớp, học sinh hoàn thành chương trình tăng cường tiếng Việt trong hè, đạt từ 90% trở lên. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,94% (tăng 0,74%). Các em có vốn từ tiếng Việt; kĩ năng nghe, nói tiếng Việt tăng lên, bắt nhịp với chương trình lớp học. Ngoài ra, trong hè một số trường tổ chức các lớp tăng cường, phụ đạo cho các học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 còn hạn chế về tiếng Việt và chậm tiến bộ trong năm học.

Đoàn giám sát tại Điểm trường Suối Hai - Trường tiểu học Cam Phước Đông 1
thành phố Cam Ranh
Nhìn chung sau 5 năm thực hiện, Đề án bước đầu đã đạt mục tiêu về hệ thống, cơ sở vật chất trường, lớp, học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi các trường học nhất là các trường thuộc huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chất lượng giáo viên được nâng cao; chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên, học sinh cơ bản đảm bảo; trẻ mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trong hè, lồng ghép với các môn học, hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp; khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Việt của các em ngày càng tiến bộ, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp mầm non, tiểu học.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, Đoàn nhận thấy công tác tăng cường tiếng Việt còn một số khó khăn như: chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh tăng cường tiếng Việt chỉ thực hiện trong 09 tháng của năm học, 02 tháng hè chế độ này bị cắt giảm nên ảnh hưởng tỷ lệ học sinh ra lớp và chưa kịp thời động viên đội ngũ giáo viên; ngoài tiếng mẹ đẻ, học sinh còn học tiếng Việt, tiếng Anh, học sinh lớp 3 học môn tin học, theo đó một số học sinh dân tộc thiểu số rất khó khăn để theo kịp chương trình, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tiếng Việt của các em; một số trường học khu vực miền núi ngoài điểm trường chính còn có các điểm trường phụ cách khá xa so với điểm chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên cũng như học sinh….

Bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh - Trưởng đoàn giám sát
phát biểu trong buổi làm việc tại huyện Cam Lâm
Để tiếp tục thực hiện tốt và có hiệu quả Đề án trong thời gian đến, Đoàn đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền kiến nghị Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án; đầu tư trang thiết bị dạy học và bộ sách về chữ Raglai của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa để tạo điều kiện cho học sinh DTTS và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện công tác giảng dạy tại các khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh. Chủ động kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành về các chế độ, chính sách đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực giáo dục nói chung và công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học dân tộc thiểu số nói riêng; nghiên cứu đề xuất hỗ trợ tiền ăn trưa bán trú cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và chi phí tổ chức lớp học tăng cường tiếng Việt trong 02 tháng hè; tiếp tục tổ chức cấp kinh phí đầu tư trang thiết bị, học liệu, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng, quản lý của giáo viên, học sinh và trường học.
Ngoài ra, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Đoàn đã đề nghị các địa phương tăng cường quản lý và đảm bảo hiệu quả việc tổ chức bán trú cho trẻ mầm non, học sinh DTTS; quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp lĩnh vực giáo dục hợp lý để kịp thời nâng cấp, sửa chữa trường lớp, điểm trường còn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các cháu; đồng thời chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo địa phương chủ động tập huấn nghiệp vụ, tổ chức thi tuyển giáo viên để đảm bảo đủ số lượng giáo viên đứng lớp./.
Thanh Tâm