Công tác triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, 03/04 quy hoạch (gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm) đã trình các Bộ, ngành Trung ương thẩm định.
Trong khuôn khổ chương trình, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VII tiếp tục thông qua 02 nghị quyết triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15, đó là:
(1) Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Về điều kiện tự nhiên, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hiện đang là 02 huyện miền núi khó khăn của tỉnh, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi luôn được tỉnh quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, diện mạo hai huyện Khánh Sơn và KhánH Vĩnh có nhiều đổi mới, khởi sắc. Hạ tầng giao thông phát triển rộng khắp; người dân được chăm lo sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Ông Vĩnh Thông – Giám đốc Sở Tài chính trình bày Tờ trình của UBND tỉnh
Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chính là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh sử dụng ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố trong tinh có điều kiện tốt hơn nhằm hỗ trợ cho hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Từ đó, khắc phục hạn chế “chênh lệch miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh” và thực hiện mục tiêu phát triển hai huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng” trong công cuộc phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2023.
Về mức hỗ trợ, sau khi trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, Nghị quyết cho phép mức hỗ trợ năm 2023 là 20% số tăng thu ngân sách huyện (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất) và mức hỗ trợ tối thiểu là 10% trong các năm tiếp theo.
(2) Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Nghị quyết này sẽ áp dụng đối với các địa phương (cụ thể: thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh và huyện Cam Lâm) và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm: Tổ chức dịch vụ công về đất đai; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mục đích cảu Nghị quyết là điều chỉnh quy trình, cho phép việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất được thực hiện trước việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà thầu nhằm tiết kiệm thời gian đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong (Nguồn: Báo Khánh Hòa)
Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua 09 nghị quyết quy phạm pháp luật khác liên quan đến nhiều lĩnh vực, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Đó là:
Về chế độ, chính sách, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Với mức hỗ trợ 400.000 đồng/tháng, đối tượng của Nghị quyết chính là các cộng tác viên xã hội, cộng tác viên trẻ em hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Nghị quyết này nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong lĩnh vực này, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và một số đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm: chế độ thăm hỏi khi ốm, điều trị tại bệnh viện, trường hợp bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt; chế độ khám sức khỏe định kỳ; chế độ phúng viếng; chế độ trang phục và phục vụ lễ tang; chế độ tặng quà lưu niệm; chế độ tặng báo. Nghị quyết này đã thể hiện sự quan tâm và ghi nhận quá trình cống hiến của các đối tượng là người có công, cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu HĐND tỉnh giơ tay biểu quyết
Trên cơ sở tham khảo mức thu phí thăm quan của các địa phương hiện nay, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh tăng mức thu phí thăm quan Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar và Di tích thắng cảnh Hòn Chồng từ 10.000 đồng/người/lần lên 30.000 đồng/người/lần nhằm đảm bảo cân đối chi cho hoạt động của Trung tâm Bảo tồn di tích; cũng như tạo nguồn lực để tái đầu tư, tu bổ và tôn tạo di tích, tạo thêm nhiều hoạt động phong phú để phục vụ du khách trong thời gian đến. Tuy nhiên, mức thu phí này sẽ không áp dụng đối với người dân Khánh Hòa khi đến thăm quan.
Đối với các loại phí thuộc lĩnh vực môi trường, HĐND tỉnh đã thông qua 03 Nghị quyết quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường (10.000.000 đồng/dự án và 5.000.000 đồng/dự án trong trường hợp thẩm định lại); phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo nguyên tắc mức thu được tính dựa trên tổng vốn đầu tư của dự án); phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường (đối với thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh từ 18.450.000 đồng/hồ sơ đến 21.850.000 đồng/hồ sơ theo từng trường hợp; đối với thẩm quyền cấp phép của UBND cấp huyện từ 13.000.000 đồng/hồ sơ đến 15.600.000 đồng/hồ sơ theo từng trường hợp).
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và chức năng, nhiệm vụ theo quy định, HĐND tỉnh đã thông qua 03 Nghị quyết quy định một số nội dung và mức hỗ trợ đối với: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Thực hiện: Phương Anh