Xác định bí mật nhà nước theo Dự thảo Luật Bí mật nhà nước
Phan Gia Ngọc – Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh
Bất kỳ quốc gia nào, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, đều có những bí mật cần được bảo vệ. Vì thế bí mật Nhà nước, bí mật quân sự luôn là mối quan tâm của mọi quốc gia trên thế giới, cho nên các quốc gia đều có những quy định chặt bằng các văn bản pháp quy nhằm bảo vệ an toàn bí mật Nhà nước. Ở nước ta, vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước được đặt ra và được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân. Chính vì tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự nên Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 30/2000/PL UBTVQH 10 ngày 28 tháng 12 năm 2000 về Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01 tháng 4 năm 2001. Đến nay, có những quy định không còn mang tính thực tiễn đồng thời do tính chất quan trọng của bí mật nhà nước, do đó cần phải được Luật hóa làm căn cứ vững chắc trong việc xây dựng các thiết chế để bảo vệ bí mật quốc gia. Trong phạm vi góp ý, tác giả xin nêu một số vấn đề sau:
1/ Điều 2. Giải thích từ ngữ: Khoản 1 quy định
“1. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước quy định tại Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật nhà nước được chứa trong tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động và các dạng khác”.
Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Bí mật là điều cần giữ kín trong phạm vi một số ít người, không để lộ cho người ngoài biết”. Như vậy, lời nói và các dạng khác ở đây có thuộc bí mật nhà nước không nếu chỉ là những lời nói thường, tại các hội thảo, diễn đàn,… Mặc khác, từ “chứa” nghĩa không rõ ràng, cần phải được dùng từ khác cho rõ nghĩa, cụ thể hơn.
Do đó, để bảo đảm chặt chẽ khi giải thích từ ngữ thì cần sửa đổi đoạn 2 của khoản 1 Điều này theo hướng: “…Bí mật nhà nước được thể hiện trong tài liệu, vật, địa điểm, hoạt động, lời nói và các dạng khác có nội dung quan trọng”.
2/ Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo không quy định về thời hạn không được tiết lộ bí mật đối với các trường hợp là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức Trung ương, người được phân công làm công tác bảo vệ bí mật, người tiếp cận, trực tiếp quản lý bí mật nhà nước khi không còn giữ trọng trách nói trên thì không được phép đảm nhận loại công việc nhất định hoặc không được phép tiết lộ bí mật thông qua loại hành vi như hồi ký, tự truyện,…Mà quy định này rất quan trọng, nếu chúng ta không quy định trong Luật thì rất dễ có hành vi vi phạm pháp luật xẩy ra do không bị luật cấm nên các chủ thể này không có trách nhiệm phải tuân thủ quy định và có thể thực hiện loại việc này một cách vô ý. Do đó, cần phải bổ sung thêm khoản 10 của Điều này như sau:
10. Đối với những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, người được phân công làm công tác bảo vệ bí mật, người tiếp cận, trực tiếp quản lý bí mật nhà nước thì không được phép tiết lộ bí mật theo thời hạn giải mật được quy định tại luật này hoặc không được đảm nhiệm công tác nhất định sau khi thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác khác.
Chính phủ quy định chi tiết khoản 10 của Điều này.
3/ Điều 9. Phạm vi bí mật nhà nước
- Thứ nhất, Điểm b khoản 1: Theo Dự thảo thì” Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là thuộc phạm vi bí mật. Tác giả cho rằng, điều này là không phù hợp trong thời đại 4.0 và quá máy móc. Ví dụ như lịch họp của Ban chấp hành trung ương được các báo, đài, truyền hình đăng tải, toàn dân đều được biết công khai thời gian khai mạc, bế mạc và thậm chí trên phương tiện truyền thông còn thông tin về thảo luận của các đồng chí ủy viên trung ương. Hay ví dụ như lịch công tác của đồng chí trong Bộ chính trị đi thăm nước A, B, vào lúc mấy giờ, ngày… máy bay hạ cánh xuống sân bay, tham gia cùng đoàn có các đồng chí…, kết thúc chuyến đi…cùng với đó là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo và thành viên của đoàn công tác. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại phạm vi của Điểm này và nên quy định đối với loại thông tin này thì sẽ tự động giải mật sau khi chấm dứt một hoặc một số hoạt động của các chủ thể nói trên.
- Thứ hai, Điểm c khoản 1: Dự thảo quy định: “Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước” thuộc phạm vi bí mật. Bất cứ 01 cá nhân nào, trước khi trở thành nguyên thủ, chính khách, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đều từ 01 cán bộ công chức bình thường, trải qua quá trình phấn đấu. Trưởng thành qua các giai đoạn khác nhau mới có thể trở thành lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Vậy, các thông tin về tiểu sử, lý lịch bản thân đã được công khai qua các thời kỳ hoặc thông tin về đại biểu ứng cử Quốc hội của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì có được coi là mật không và phải xử lý như thế nào? Trong khi đó, hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc, nói xấu, vu khống, bịa đặt các thông tin này trên các trang mạng xã hội làm ‘khêu gợi” sự tò mò, tìm hiểu của người dân. Thiết nghĩ, các thông tin quy định tại Điểm này không nên quy định là loại thông tin mật mà lại càng phải công khai. Càng công khai thì chúng ta mới an dân và dân càng tin tưởng, một lòng một dạ sắt son đứng dưới cờ Đảng.
- Thứ ba, Điểm a khoản 2. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu bao gồm:
a) Chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, phương án, thông tin liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng;
Cần phải giải thích rõ như thế nào là Đặc biệt quan trọng. Đây là một khái niệm rất rộng, mơ hồ, vì lẽ, theo quan điểm của A là đặc biệt quan quan nhưng theo quan điểm B thì không phải là đặc biệt quan trọng. Đây là về kỹ thuật lập pháp, lập quy, cần phải quy định rõ ràng để tránh lợi dụng vì Luật này liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định.
- Thứ tư, Điểm b khoản 3. Thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì hoạt động về khởi tố, xét xử và thi hành án là công khai. Chỉ bí mật trong giai đoạn điều tra, truy tố mà thôi. Vì giai đoạn này cần phải bảo mật thông tin để bảo đảm cho việc phá án. Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều tra thì kết luận điều tra lại công khai. Tương tự như thế, đối với hoạt động truy tố thì cần phải bí mật, nhưng cáo trạng thì công khai. Còn đối với hoạt động xét thì thì công khai, trừ những việc có tính bí mật an ninh quốc gia, cần giữ gìn thuần phong mỹ tục,... thì xét xử kín nhưng lại tuyên án công khai và thi hành án thì càng không có gì bí mật nếu là dân sự, còn thi hành án hình sự thì chỉ có thi hành án tử hình là mật trong thời gian thực hiện việc chuyển tử tù từ nơi bị giam đến nơi thi hành án. Vì thế đối với Điểm này cần loại bỏ thông tin về việc khởi tố, xét xử và thi hành án là thuộc phạm vi mật, mà chỉ quy định là thông tin về điều tra và truy tố là thông tin mật. Do đó, cần sửa đổi lại như sau:
Thông tin về hoạt động điều tra, truy tố.
- Thứ năm, Điểm c, d khoản 4. ”Thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa nước ta với nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế” và ”Thông tin bí mật do nước ngoài chuyển giao theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Cần xem xét một cách thấu đáo và cụ thể quy định này, vì đối với việc các thông tin do nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam, đối với việt Nam coi là thông tin mật, nhưng đối với nước ngoài thì không. Ví dụ như Việt Nam ký kết mua tàu ngầm, tàu hộ vệ, súng,... từ các nước Ấn Độ, Nga, Isarel thì các thông tin báo chí nước ngoài đưa tin ồ ạt thậm chí cả thời gian chuyển giao, số lượng, chủng loại,... thì phải xử lý ra sao? Đề nghị xem xét kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Quang cảnh họp góp ý Luật bí mật nhà nước
- Thứ sáu, Điểm c khoản 5. Thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi;
Trong giai đoạn kinh tế quốc tế hiện nay, thì các thông tin quy định tại khoản này cần phải rõ ràng, minh bạch để thấy được thực trạng của kinh tế mà cần có giải pháp đột phá, ”đi tắt đón đầu”, cần phải xác định các ”mũi nhọn” để phát triển kinh tế và quan trọng nhất là cần làm rõ nội hàn của thông tin này là gì. Nếu không làm rõ thì kiểu gì cũng vi phạm, kiểu gì cũng phạm tội. Cần nhắc đối với thông tin này trong dự thảo. Theo ý kiến của tác giả nên bỏ hẳn Điểm này ra khoản dự thảo luật. Vì đã qua rồi giai đoạn ”bế quan tỏa cảng” của thời bao cấp. Chúng ta cần phải mạnh dạn để nhìn chính chúng ta. Còn nếu phải quy định thì cần xác định rõ loại thông tin gì của các lĩnh vực này để quy định. Tránh tình trạng không xác định được thì cứ quy định chung thì thì khi vận dụng luật là bất ổn, không có tính khả thi.
- Thứ bảy, Điểm b khoản 8. Thông tin liên quan đến người thuộc lực lượng vũ trang được cử đi đào tạo trong và ngoài nước.
Đối với cán bộ của lực lượng vũ trang được cử đi học là công khai, vì hiện nay, nhu cầu học nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường trong nước là thực tế, không hạn chế về số lượng. Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức của các anh em lực lượng vũ trang từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học thì có được xem như là thông tin mật. Quy định này quá rộng, rất dễ lạm dụng. Nên bỏ quy định về việc cử đi đào tạo trong nước mà chỉ giữ nguyên việc cử đi đào tạo ở nước ngoài có liên quan đến an ninh quốc gia là thông tin mật. Do đó, cần sửa đổi lại Điểm này như sau:
Thông tin liên quan đến người thuộc lực lượng vũ trang được cử đi đào tạo ngoài nước có liên quan đến an ninh quốc gia
- Thứ tám, Điểm a khoản 9. Thông tin liên quan đến di sản, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể;
Đảng, Nhà nước ta có chủ trương phát huy, sáng tạo, gữi gìn và lưu truyền văn hóa và theo quy định tại Luật di sản văn hoá 2001 và Luật di sản văn hóa 2009 sửa đổi thì Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Vì thế việc quy định thông tin liên quan đến việc gữi gìn, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể là mật là chưa hợp lý, đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì liên quan đến thông tin mật tại Điểm này chỉ cần quy định là thông tin liên quan đến di sản, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể là thông tin mật là đủ. Vì thế, Điểm này nên sửa đổi như sau:
Thông tin liên quan đến di sản, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể.