Điều 3 của Bộ luật dân sự 2015 đã quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Theo đó, thì nguyên tắc tự nguyện cam kết, tự do thỏa thuận với tất cả thiện chí và trung thực được pháp luật bảo hộ miễm sao các thỏa thuận này không được ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và lợi ích hợp pháp của người khác.
Chính vì bản chất của quan hệ dân sự được thiết lập trên cơ sở các nguyên tắc nói trên giữa các chủ thể, nên khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, mặc dù có nhiều phương thức giải quyết khác nhau (trọng tài, Tòa án), nhưng hòa giải vẫn được xem là phương án tối ưu được lựa chọn. Ngày nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam có những biến đổi sâu sắc, nhưng tinh thần đoàn kết cũng như lối sống trọng tình đã tồn tại ngàn đời nay vẫn được bảo tồn, phát huy và đây chính là căn nguyên, là “mảnh đất” cho hòa giải, ngày càng phát huy ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.
Do đó, đối với Dự thảo Luật hòa giải, Đối thoại tại Tòa án, tác giả cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện thêm Dự luật, thể hiện ở một số góp ý sau:
1/ Theo quy định tại Đoạn 2 khoản 1 Điều 1 thì:
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Trong khi đó, tại Điểm b khoản 4 Điều 18 về Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên quy định:
b) Chuyển đơn xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng nếu một trong các bên không đồng ý hòa giải, đối thoại.
Như vậy, có thể nói quy định tại đoạn 2 nói trên của Dự thảo chưa bao quát hết về phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo tôi, cần phải viết lại Đoạn 2 này theo hướng bổ sung như sau:
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trừ trường hợp quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 18 của Luật này.
Việc bổ sung thêm này cũng nhằm tạo sự giải tỏa tâm lý cho đương sự khỏi lo lắng khi cho rằng hòa giải trước khi Tòa án thụ lý giải quyết sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
2/ Khoản 2 của Điều 1 quy định: Luật này góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; tiết kiệm chi phí của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thiết nghĩ, quy định tại Khoản này có tính chất giống như nội dung nêu ở tờ trình về sự cần thiết phải ban hành Dự luật này, “nó” không phản ánh được phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ của Dự Luật. Đề nghị cân nhắc và bỏ Khoản 2 của Điều này.
Bên cạnh đó, khi bỏ khoản 2 Điều 1 thì cũng đồng thời cũng điều chỉnh luôn tên của Điều luật. Cụ thể bỏ từ “và nhiệm vụ” thì sẽ hoàn thiện hơn.
3/ Về thay đổi Hòa giải viên quy định tại Điều 16.
Điểm b Khoản 1 Điều 16 quy định: b) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ”
Theo tác giả, quy định trên là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến sự tranh cãi không cần thiết thế nào là không vô tư, khách quan khi áp dụng Điều luật. Để bảo đảm điều Luật “đi” vào thực tế, tránh giải thích khác nhau, theo tôi, cần phải bổ sung cụm từ “ Theo quy định của BLTTDS” vào cuối câu. Cụ thể: b) “Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ theo quy định của BLTTDS”
4/ Khoản 4 Điều 18 quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người được thông báo tại khoản 3 Điều này phải trả lời bằng văn bản cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. ..”
Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu người được thông báo không biết viết, không biết chữ hoặc đối với những người khiếm thị, … thì làm sao có thể có ý kiến bằng văn bản để trả lời cho Tòa án được. Vì thế, để bảo đảm Điều luật được thực thi trên thực tế, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người được thông báo tại khoản 3 Điều này phải trả lời bằng văn bản, hoặc đến trực tiếp trình bày bằng lời nói và được Thư ký Tòa án ghi lại nội dung và điểm chỉ vào văn bản để báo cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo” sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được thông báo theo Dự thảo.
Về Dự thảo Luật Giám định tư pháp:
1/ Theo Dự thảo thì bổ sung thêm “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” vào Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Theo tác giả, đây thật sự không cần thiết, bởi lẽ:
- Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Nếu quy định tăng thêm chức năng này, có thể có thật sự khách quan hay không khi chính cơ quan này vừa ban hành kết luận giám định lại vừa truy tố?
- Có cơ sở vững chắc không và có cam đoan khi cho rằng việc thành lập thêm Phòng này sẽ bảo đảm nhân lực, vật lực và việc giám định sẽ tốt hơn hoặc “chia lửa” việc giám định đối với 03 tổ chức đang hiện hữu?
- Trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị chúng ta thực hiện việc tinh giảm biên chế mà thành lập thêm Phòng sẽ dẫn đến tăng nhân lực không cần thiết.
- Hiện nay, chúng ta đang có 03 (ba) tổ chức giám định, nếu cho rằng chỉ có 03 tổ chức này không gánh nổi áp lực công việc vậy tại sao chúng ta không đầu tư chuyên sâu hơn về cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, trình độ năng lực cho các tổ chức này. Nếu chúng ta đầu tư vào 03 (ba) tổ chức giám định như đã phân tích trên sẽ chuyên nghiệp hơn, mạnh hơn, uyên thâm hơn so với việc chúng ta thành lập thêm Phòng (có nghĩa là bắt đầu từ con số không (0) tròn chĩnh).
Trên đây là góp ý của tác giả, rất mong sự trao đổi của các bạn đọc.
Ngọc Gia