Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VI, hoạt động chất vấn được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. Người bị chất vấn – các thành viên UBND tỉnh đã trả lời bằng văn bản và đồng thời trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn.
Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc đăng câu hỏi chất vấn và văn bản trả lời của các thành viên UBND tỉnh.
I. LĨNH VỰC TRẬT TỰ XÂY DỰNG
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Thịnh đối với ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng:
1.1. Tại kỳ họp bất thường ngày 10/4/2019, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn, tại điểm b Điều 1 có ghi: “Đối với dự án Khu Biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh: Chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương và nghiêm túc Quyết định số 190/QĐ-CCXP ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang (Chủ đầu tư Dự án Khu Biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh) để giữ nghiêm pháp luật.”.
Vậy Ông có thể cho biết: Kết quả thực hiện Quyết định số 190/QĐ-CCXP ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa hiện nay như thế nào?
1.2. Vụ sạt lở đất gây chết 04 người tại Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú vào ngày 18/11/2018 đến nay đã hơn 07 tháng. Nhưng tại Báo cáo số 21/BC-HĐND ngày 28/6/2019 về tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 8, có nêu: thân nhân của các gia đình bị sự cố sạt lở đất tại phường Vĩnh Hòa năm 2018 đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù mà chỉ nhận được tiền hỗ trợ:
Vậy đề nghị Ông cho biết:
- Đến nay đã có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến 04 người chết và thiệt hại tài sản của người dân tại Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú xảy ra vào ngày 18/11/2018 hay chưa?
- Chủ đầu tư đã tiến hành làm gì để ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra sự cố sạt lở đất vào mùa mưa bão của những năm tới nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân đang sinh sống hợp pháp trong khu vực giáp ranh dự án.
- Việc chậm chi trả tiền đền bù thiệt hại về người và tài sản cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng do sự cố sạt lở đất tại Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, theo Ông trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thúy Quỳnh đối với ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng:
Dự án Ocean View Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận từ năm 2004, do Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thiên Nhân II làm Chủ đầu tư, xây dựng tại vùng đồi núi Chụt nằm cuối đường Trần Phú, phường Vĩnh Trường.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, Khu biệt thự cao cấp của Dự án này chỉ cho phép chiều cao từ 1 đến 3 tầng, mật độ xây dựng 40% với mục đích nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay, các hạng mục công trình trong dự án này đang vi phạm nghiêm trọng quy hoạch, phá vỡ cảnh quan đô thị. Nhiều công trình không tuân thủ quy hoạch, có mật độ xây dựng lên đến 100% thay vì 40% như quy định, trong đó, có những ngồi nhà cao đến 10 tầng đã hoàn thiện và đang kinh doanh lưu trú.
Tôi xin được hỏi Giám đốc Sở như sau:
- Vì sao những hạng mục công trình xây dựng tại Dự án này phá vỡ quy hoạch đã được duyệt, phá vỡ cảnh quan đô thị đến nay vẫn chưa được xử lý?
- Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng để kinh doanh lưu trú tại Khu Biệt tự cao cấp nghỉ dưỡng có đúng hay không?
- Trách nhiệm của Sở Xây dựng khi để xảy ra tình trạng vi phạm này?
3. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Theo Kết luận thanh tra số 12681/KL-UBND ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa, xuất phát từ đơn khiếu nại, kiến nghị của Công ty TNHH Phúc Hậu Từ Hải, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 về việc thanh tra toàn diện 02 dự án: Dự án Trung tâm Thương mại – Khu nhà ở liền kế tại xã Phước Đồng và Dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài thuộc 02 xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang.
Xin đồng chí cho biết:
- Dự án này có thông qua HĐND tỉnh và có thực hiện việc ký quỹ để tổ chức thực hiện cũng như cam kết thời gian hoàn thành dự án?
- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất nông nghiệp do xã quản lý của Chủ đầu tư có đúng theo quy định hay không?
- Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến gì về việc Chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ kể từ năm 2011 (thời điểm được cấp GCN) đến nay?
4. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Thịnh đối với ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh:
Trong thời gian vừa qua, UBND thành phố Nha Trang đã tổ chức cưỡng chế buộc tháo dỡ 109 căn nhà xây dựng trái phép trên đất quy hoạch tại khu vực xã Vĩnh Thái, nâng tổng số công trình xây dựng trái phép bị cưỡng chế từ đầu năm đến nay tại thành phố Nha Trang là 154 căn nhà. Việc tổ chức cưỡng chế thành công những căn nhà xây dựng trái phép (siêu tốc) trên diện tích đất quy hoạch, đã tạo được sự đồng thuận rất cao của phần đông cử tri trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã Phước Đồng, đặc biệt dọc trục đường Đại lộ Nguyễn Tất Thành còn rất nhiều cửa hàng bán hàng cho khách du lịch và các công trình xây dựng trái phép khác chưa bị tổ chức cưỡng chế buộc tháo dỡ. Việc xây dựng những công trình trái phép trên diễn ra trong một thời gian rất dài, trên trực đường chính nhiều người qua lại, tại sao không bị các cơ quan chức năng xử lý. Có hay không việc bao che của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý xây dựng?
Là người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, theo Ông:
- Có cần phải xử lý thật nghiêm khắc đối với những tập thể và cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng và bao che trong việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng hay không?
- Các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực xã Phước Đồng nói riêng bao giờ mới bị tổ chức cưỡng chế nhằm lập lại trật tự kỷ cương Nhà nước trên lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng tại thành phố Nha Trang cũng như tại các địa phương khác.
II. LĨNH VỰC GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng Diệp đối với ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Kết quả thi tuyển và xét tuyển vào THPT công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm học 2019-2020 đã đặt ra nhiều vấn đề trong dạy và học.
1. Đối với thi tuyển:
- Theo báo cáo 6 tháng của UBND tỉnh, chất lượng giáo dục sau khi đánh giá sơ kết học kỳ II có sự ổn định, tỷ lệ học sinh yếu, kém cấp THCS là 10,2% (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ học sinh lớp 9 năm học 2017-2018 đạt khá là 35,66%, giỏi là 33,34%, năm học 2018-2019 tỷ lệ này có giảm đi, loại khá là 35,8%, giỏi là 24,86%. Trong 6 năm xét tuyển vào lớp 10, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao nhưng kết quả thi tuyển lại rất thấp. Tổng số học sinh đăng ký dự thi là 13,503 học sinh. Tỷ lệ chung học sinh đạt điểm trên trung bình các môn: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh lần lượt là 33,6%, 47,6%, 25,9% trong đó môn Toán có tới 668 bài thi bị điểm 0. Đề thi được nhận định là ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình học.
Xin Ông cho biết: Có mâu thuẫn hay không giữa kết quả xếp loại năm học với kết quả thi tuyển? Chất lượng dạy và học những năm qua đã được đánh giá chính xác và đầy đủ chưa? Từ nay trở đi sẽ áp dụng hình thức thi tuyển hay xét tuyển?
- Với cách tính điểm chuẩn các trường THPT công lập không chuyên là tổng điểm các môn: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh và điểm ưu tiên nếu có, trong đó, Ngữ Văn và Toán tính hệ số 2. 16/22 trường thi tuyển có điểm chuẩn dưới 15 điểm. Như vậy, trung bình điểm mỗi môn dưới 5 điểm. Có những trường có điểm chuẩn rất thấp (đối với nguyện vọng 1: Trường THPT Tôn Đức Thắng, Trường THPT Trần Quý Cáp, Trường THPT Tô Văn Ơn: chỉ 4 điểm). Vậy trung bình điểm mỗi môn quá thấp, chưa đến 1 điểm/môn.
Xin Ông cho biết: Với kết quả thi tuyển thấp như vậy, các trường THPT sẽ phải giải quyết như thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh THPT?
2. Đối với xét tuyển:
- Trường THPT Khánh Sơn: điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 1: 23.50 điểm;
- Trường THPT Lạc Long Quân: điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 1: 28.50 điểm và có điểm trong bình cả năm lớp 9 từ 6.3 điểm trở lên.
Xin Ông cho biết: Sự chênh lệch điểm giữa xét tuyển và thi tuyển tại địa bàn đồng bằng và miền núi như trên có phản ánh đúng chất lượng dạy và học giữa hai địa bàn này hay không?
III. CHẾ ĐỘ CHO NGHỆ NHÂN ƯU TÚ
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, số lượng nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân Nhân dân chưa đến 10 người được Nhà nước phong tặng các danh hiệu. Số nghệ nhân này đa số đã lớn tuổi (đã mất 4 người) và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có nghệ nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Khi được Nhà nước phong tặng không được hưởng tiêu chuẩn và chế độ chính sách gì so với các nghệ sĩ được phong tặng giải thưởng Nhà nước, danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân…
Sở Văn hóa và Thể thao có giải pháp và tham mưu đối với UBND tỉnh hoặc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để đề xuất và kiến nghị cho những nghệ nhân này được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của tỉnh đối với những người đã có cống hiến về lĩnh vực văn hóa dân gian đối với tỉnh Khánh Hòa? Như tổ chức UNESCO đã nhận định: “Họ là báu vật nhân văn sống của nhân loại”.
Văn bản trả lời:
Công văn số 1370/SVHTT-QLDSVH ngày 03/7/2019 của Sở Văn hóa và Thể thao.
IV. TUYỂN DỤNG BIÊN CHẾ
Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Tại Kết luận thanh tra số 2336/KL-SVHTT ngày 07/11/2018 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa về việc chấp hành pháp luật về tài chính kế toán, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức sự nghiệp và ký kết hợp đồng lao động tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Khánh Hòa. Với 18 nam, nữ diễn viên, nhạc công do có sự nhầm lẫn hợp đồng lao động dài hạn và bị hủy kết quả tuyển dụng đặc cách vào năm 2014. Trong số đó có các Trưởng và Phó đoàn thuộc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống của tỉnh, hàng năm đều đã có Quyết định nâng lương của Sở và của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. (Thời điểm lúc đó, việc tuyển dụng vào cơ quan nhà nước chưa áp dụng cơ chế xét tuyển hoặc thi tuyển).
Hầu hết các diễn viên, nhạc công này đều đóng đầy đủ BHXH, nhiều nhất là 28 năm, ít nhất cũng đã 7 năm. Trong suốt quá trình công tác, các nghệ sĩ đã đem về cho Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống của tỉnh hàng trăm Huy chương các loại và có nhiều nghệ sĩ đã được phong tặng nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Nhưng đến nay số nam, nữ diễn viên, nhạc công này bị hủy kết quả tuyển dụng, như không còn là biên chế của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, bị hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm Trưởng và Phó đoàn thuộc Nhà hát.
Như vậy, việc tuyển dụng và hủy bỏ kết quả tuyển dụng là do lỗi của cá nhân và tổ chức của người sử dụng lao động.
Xin đồng chí cho biết hướng chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các Sở, ngành liên quan để sớm khắc phục và giải quyết, đảm bảo những người lao động có tính đặc thù về kịch hát dân tộc không bị thiệt thòi về chế độ và thời gian cống hiến cho Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống của tỉnh?