Với ký ức mỗi chúng ta, bạn bè, trường lớp và thầy cô là những hình ảnh, kỷ niệm trân quý nhất. Thầy, cô giáo là những người đã truyền đạt kiến thức, những kinh nghiệm sống cho con người từ khi chập chững bước vào đời cho đến khi họ trưởng thành, những kiến thức và kinh nghiệm đó có thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và cả những kiến thức để hình thành nhân cách con người, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp.
Trong xã hội ngày nay, nghề giáo vẫn là một nghề được xã hội tôn kính, trân trọng. Thế nhưng, hàng ngày lan truyền trên các trang báo, mạng xã hội, facebook, những câu chuyện, video clip, những lời bình luận như những đợt sóng dữ nối tiếp nhau, từng giờ, từng phút phá vỡ niềm tin, sự trân trọng của học trò, lòng tự hào pha lẫn tự tôn của những người làm nghề giáo: học trò đánh thầy, buông những lời xúc phạm đến thầy cô giáo, phụ huynh vì bênh vực con đã xúc phạm thầy cô, thầy cô giáo không chuẩn mực từ lời nói đến hành động, điểm sàn tuyển sinh của ngành sư phạm chạm đáy, hàng trăm giáo viên đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì quyết định sai của lãnh đạo huyện, câu chuyện chưa được kiểm chứng về việc để có được vị trí trên bục giảng phải “lót tay” hàng trăm triệu đồng cho những người quản lý giáo dục, “bạo lực học đường” và “chạy việc vào biên chế” là những từ khóa của hàng triệu lượt truy cập… Hình ảnh người thầy đang bị hạ thấp, bị tổn thương cần phải có các giải pháp trước mắt và lâu dài để giữ truyền thống tôn sư trọng đạo và đây là trách nhiệm ngành giáo dục, trách nhiệm của những người quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và cả chính những thầy cô giáo.
Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết bản thân mình phải đáng được tôn trọng. Xã hội vẫn tôn trọng và đề cao vị thế của người Thầy nhưng cũng yêu cầu cao về nhân cách và chuyên môn của người Thầy. Bản thân mỗi thầy cô phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy. Để đứng được trên bục giảng, được học trò tôn trọng về nhân cách và kính nể về kiến thức, mỗi người thầy, cần luôn tự học để hoàn thiện mình, học từ chính phụ huynh, từ học sinh để rèn dũa về chuyên môn. Người thầy phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội và có một trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, trình độ ấy phải luôn được trau dồi, bổ sung, không ngừng phát triển nó. Người học luôn muốn tiếp thu được những điều hay, mới và bổ ích cho cuộc sống của mình, nếu người thầy không đáp ứng được điều này sẽ làm cho người học dễ nhàm chán, uy tín của thầy sẽ giảm sút. Người thầy phải luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, người có trình độ chuyên môn giỏi nhưng nếu không biết kết hợp với phương pháp tốt thì hiệu quả công việc sẽ không cao hoặc không có hiệu quả.
Và một điều không thể không nhắc đến đó là tâm huyết với nghề, người thầy phải luôn yêu nghề, phải xem đây là sự nghiệp của mình và nó gắn bó với mình suốt cuộc đời. Có như vậy người thầy mới giữ gìn và phát huy, làm cho nghề giáo ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với những gì mà xã hội đã dành tặng cho nghề giáo. Không chỉ hình ảnh thầy trong mắt trò mà với hình ảnh trò đọng lại trong ký ức của thầy cũng là những dấu ấn đáng nhớ với nghề giáo, vẫn nhớ về những cô cậu học trò cá biệt mình từng dạy học. Nhiều giáo viên than phiền và e ngại về những cô cậu học trò vì học hành chểnh mảng, khó bảo. Không khó để nhận ra sự buông xuôi, chán nản, bi quan và bất cần của các em chính vì sự thiếu quan tâm, thiếu tôn trọng của người thân, người lớn. Nhưng chính những người thầy tâm huyết với nghề đã giúp các em trưởng thành, tạo sự cố gắng, nỗ lực và trách nhiệm từ các em. Tâm huyết với nghề chính là cách để xây dựng vị thế của mình.
Theo quan điểm của tôi, mỗi người Thầy nên trở thành một nhà giáo dục hơn là một giáo viên. Người Thầy không chỉ dạy các em hết tiết là xong mà còn phải gắn bó, gần gũi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của học trò thì mới có thể giáo dục các em được. Cách ăn nói, ứng xử cũng như việc học làm người, các em sẽ học từ người lớn, đòi hỏi người thầy phải mẫu mực. Mỗi một tiết dạy, một buổi tiếp xúc với học trò, thầy không chỉ trao cho học trò kiến thức mà hơn hết mang đến cho các em lý tưởng đẹp đẽ về tình bạn, tình yêu, quê hương đất nước, về cuộc sống. Người thầy không đơn thuần là “thợ dạy” mà là người trao truyền kinh nghiệm, trao truyền những trải nghiệm về con người và cuộc sống, là người truyền lửa cho thế hệ trẻ.
Dạy học là dạy làm người, sự thành công của Thầy, vị thế của một nhà giáo chính là sự tin yêu, sự trưởng thành, sự thành công của học trò và sự tôn trọng của xã hội.
Hoàng Diệp