Trong pháp luật tố tụng dân sự, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong các nguyên tắc cơ bản và được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện(1) bằng cách gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Đơn khởi kiện là điều kiện để Tòa án thụ lý vụ việc và là cơ sở để xác định phạm vi giải quyết(2) .
Để bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự trong vụ án, pháp luật cho phép đương sự có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền(3) , bao gồm cả người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền(4) . Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng quy định này vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là trong trường hợp một cá nhân ủy quyền cho người khác khởi kiện thay. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ trình bày về việc người đại diện theo ủy quyền có được quyền ký đơn khởi kiện hay không?
Trên thực tế, vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Pháp luật quy định cá nhân được ủy quyền tham gia tố tụng, chứ không quy định việc người được ủy quyền có quyền ký thay đơn khởi kiện. Quan điểm này cho rằng, BLTTDS năm 2015 chưa cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền ký đơn khởi kiện. Bởi lẽ điểm a khoản 2 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.
Đồng thời, Mẫu đơn khởi kiện đã được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
- Tại mục “Tên người khởi kiện”: Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
- Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện: Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ những lập luận trên, quan điểm thứ nhất đã viện dẫn những quy định pháp luật cho rằng đương sự không được phép ủy quyền cho người khác ký tên trong đơn khởi kiện, thay vào đó, chính họ phải tự mình thực hiện việc này.
Quan điểm thứ hai: Việc người đại diện theo ủy quyền ký vào đơn khởi kiện là không trái với quy định của BLDS và BLTTDS hiện hành. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây cũng chính là quan điểm của tác giả với các lý lẽ sau:
1. Xét quy phạm pháp luật về quyền khởi kiện:
Như đã đề cập ở trên, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự chính là quyền khởi kiện của đương sự. BLTTDS năm 2015 không có quy phạm pháp luật nào bắt buộc đương sự phải tự mình ký vào đơn khởi kiện.
Mặt khác, theo quy định của BLDS năm 2015, đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, ngoại trừ các giao dịch mà pháp luật quy định người được đại diện phải tự xác lập hoặc thực hiện (5).
Trên cơ sở các quy định của BLDS và BLTTDS năm 2015, có thể thấy, hiện nay không có quy định pháp luật nào cấm việc đương sự ủy quyền của người khác khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, đặc biệt là việc ký đơn khởi kiện. Lập luận này cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS năm 2015 “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
2. Xét quy định về phạm vi đại diện theo ủy quyền:
Điều 141 BLDS năm 2015 quy định phạm vi đại diện như sau:
“1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
…”.
Như vậy, nếu vì lý do khách quan, đương sự không thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện mà trao quyền cho một người khác (nội dung được thể hiện rõ trong văn bản ủy quyền) thì phạm vi ủy quyền đối với quyền khởi kiện sẽ bao gồm từ việc làm đơn khởi kiện, tham gia quá trình tố tụng đến giai đoạn thi hành án. Do đó, việc người đại diện theo ủy quyền ký đơn khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Xét về yếu tố tương tự luật:
Ngày 03/12/2012, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (Dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ ngày 01/7/2016 nhưng đến thời điểm hiện tại, tinh thần của Nghị quyết này vẫn còn giá trị áp dụng).
Quyền khởi kiện vụ án được quy định tại Điều 2 của Nghị quyết đã phân biệt rõ đối với từng chủ thể, trong đó:
“Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ” (6).
“Đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi dòng chữ “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của cơ quan, tổ chức”(7) .
Qua đây nhận thấy, nếu pháp nhân khởi kiện thì người đại diện theo pháp luật được phép ủy quyền cho người khác ký tên vào đơn khởi kiện. Vậy trong trường hợp cá nhân khởi kiện nhưng người đại diện theo ủy quyền không được ký tên vào đơn khởi kiện có phải là không công bằng giữa cá nhân và pháp nhân hay không?
Thiết nghĩ, trong trường hợp này, Tòa án cần có hướng dẫn để thống nhất việc áp dụng pháp luật tương tự vì cá nhân và pháp nhân đều là những chủ thể bình đẳng trước pháp luật và quyền khởi kiện như nhau.
Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn cụ thể và rõ ràng theo hướng: Cho phép người đại diện theo ủy quyền có quyền ký đơn khởi kiện. Điều này đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất tại tất cả các địa phương.
Thực hiện: Phương Anh
_______________________________
(1) Khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện”.
(2) Khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
(3 )Điều 186 BLTTDS năm 2015.
(4) Khoản 1 Điều 85 BLTTDS năm 2015: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền…”.
(5) Điều 134 BLDS năm 2015.
(6) Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.
(7) Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.