Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VI, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. Người bị chất vấn – các thành viên UBND tỉnh đã trả lời trực tiếp tại Hội trường. Một số nội dung khác cũng đã được trả lời bằng văn bản.
Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc đăng câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và văn bản trả lời của các thành viên UBND tỉnh.
I. XỬ LÝ VI PHẠM VỀ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Ngô đối với ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Dự án Khu du lịch Suối khoáng nóng Trường Xuân (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) do Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất chế biến thực phẩm Thành Công (trụ sở TP.Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 10/2009. Theo Giấy chứng nhận đầu tư, thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng là 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thời gian thi công công trình là 12 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép xây dựng. Đến nay, sau gần 11 năm kể từ ngày được Giấy chứng nhận đầu tư, hết thời gian để thực hiện dự án, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai. Theo quy định, dự án này phải thu hồi từ sau tháng 10/2012. Vậy tôi xin hỏi Ông Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa có tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án này hay không? Và bao giờ thì tiến hành thu hồi?
Văn bản trả lời: Văn bản số 2366/SKHĐT-TTra ngày 21/7/2020 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Lê Văn Dẽ – Giám đốc Sở Xây dựng
Năm 2009, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nhân II đầu tư dự án Ocean View Nha Trang. Dự án này tại đường Võ Thị Sáu, thuộc phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang.
Dự án Ocean View có diện tích gần 7,3 ha, trong đó có 69 lô đất biệt thự, mật độ xây dựng từ 40% đến 60% và chỉ được xây dựng với chiều cao từ 1 đến 3 tầng. Thế nhưng, kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng vào giữa năm 2019, xác định trong 40 lô đã và đang xây dựng tại dự án này, có đến 22 biệt thự vi phạm về quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, trong đó có 13 biệt thự xây dựng vượt phép từ 4 đến 8 tầng, mật độ xây dựng từ 80% đến 100%.
Trước những sai phạm của dự án trên, trong năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 14 quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả. Theo đó, yêu cầu phải tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm, vượt tầng của 13 biệt thự, tuy nhiên các chủ công trình vi phạm bất chấp pháp luật và tiếp tục xây dựng hoàn thiện các biệt thự.
Trước bức xúc của dư luận và cử tri về việc chậm trễ xử lý vi phạm tại Dự án Ocean View (theo Nghị định của Chính phủ số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 4/2020 đã yêu cầu thành phố Nha Trang hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại dự án trước ngày 30/6. Tuy nhiên, hiện tại các công trình vi phạm tại dự án trên vẫn còn tồn tại. Thậm chí, một số công trình đã “kịp” hoàn thành và đưa vào sử dụng. Như vậy, đến nay những sai phạm tại dự án Ocean View chưa được xử lý mà đang ngày càng sai thêm), câu hỏi lớn đặt ra: Vì sao đến nay 13 biệt thự xây dựng trái phép tại dự án này vẫn chưa được cưỡng chế tháo dỡ, ngược lại các biệt thự vẫn ung dung tồn tại và tiếp tục xây dựng hoàn thiện? Phải chăng các công trình sai phạm tại dự án này có thế lực nào khác “chống lưng” hay “bật đèn xanh” để họ thực hiện việc trái quy định của pháp luật như vậy?
Văn bản trả lời: Văn bản số 2185/SXD-TTr ngày 17/7/2020 của Giám đốc Sở Xây dựng
3. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Thịnh đối với ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Thời gian qua, cử tri tỉnh nhà rất phấn khởi tin tưởng vào sự quyết tâm của UBND tỉnh trong việc lập lại trật tự quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, có một số công trình xây dựng trái phép đã buộc phải tháo dỡ, như công trình Mường Thanh xây dựng vượt tầng, công trình bờ kè của Khu biệt thự Đồi Xanh và hơn 100 căn nhà xây dựng trái phép tại khu quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít các công trình xây dựng trái phép, cụ thể như: Dự án Ocean View, các dãy nhà bán hàng cho khách du lịch trên Đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng… Mặc dù đã có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng hiện nay, các công trình vẫn chưa bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề nghị ông cho biết:
Thứ nhất, tại sao UBND tỉnh chưa xem xét kỷ luật người đứng đầu cơ quan có liên quan trong việc không chấp hành ý kiến chỉ đạo về việc tham mưu UBND tỉnh xử lý các công trình xây dựng trái phép.
Thứ hai, theo Ông, cần phải có giải pháp mạnh nào để kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng trái quy định pháp luật đang diễn ra hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Văn bản trả lời: Văn bản số 7244/UBND-XDNĐ ngày 21/7/2020 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh
4. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Bình Hoàn đối với ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh
Dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 01/2018 và có quyết định thu hồi đất từ tháng 01/2019. Tuy nhiên, đến nay đã gần 30 tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động dự án, tỉnh vẫn chưa thực hiện xong việc thu hồi đất đối với dự án trên.
Theo quy định tại điểm b khoản 14 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai:
“Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ đầu tư được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời hạn 24 tháng được gia hạn tiến độ sử dụng đất mà chủ đầu tư không thực hiện được việc chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp của mình gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai”.
Vậy xin Ông cho biết:
Nguyên nhân vì sao đến nay việc thu hồi đất sau khi chấm dứt hoạt động của dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao vẫn chưa thực hiện được? Trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào và UBND tỉnh đã xử lý ra sao?
Văn bản trả lời: Nội dung trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh
II. CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ KÍCH CẦU DU LỊCH SAU ĐẠI DỊCH COVID-19
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Lê Thị Mai Liên đối với bà Phạm Thị Xuân Trang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Theo báo cáo Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, UBND tỉnh có đề ra chỉ tiêu hoàn thành việc chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/7/2020. Vậy xin Bà cho biết tiến độ và kết quả thực hiện chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay (6 đối tượng được hỗ trợ).
Hiện nay, trong quá trình thực hiện chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có đối tượng là người cao tuổi, mất sức lao động, bệnh mãn tính, không có lương hưu, không có tiền trợ cấp hàng tháng, sống nhờ vào tiền lương của con cái, bản thân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng hoàn cảnh thật sự khó khăn, họ không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng lại bị ảnh hưởng gián tiếp bởi đại dịch này. Đối với những đối tượng trên, họ thật sự cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vậy theo Bà, có cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tỉnh bổ sung thêm đối tượng này để hỗ trợ hay không? Thiết nghĩ, dù Khánh Hòa là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 để lại nhưng những đối tượng nêu trên nếu được quan tâm thì chính sách an sinh xã hội của tỉnh sẽ toàn diện hơn và ấm lòng người dân hơn.
Văn bản trả lời: Văn bản số 1636/SLĐTBXH-KHTC ngày 20/7/2020 của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thúy Quỳnh đối với ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch
Trong 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đó có ngành du lịch.
Tôi xin được hỏi Ông Giám đốc một số vấn đề sau:
- Xin Ông cho biết, trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, ngành du lịch của Khánh Hòa cần phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài gì để khôi phục và phát triển du lịch Khánh Hòa?
- Các sản phẩm du lịch của Khánh Hòa chưa hấp dẫn để du khách đến và ở lại thưởng thức. Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành du lịch của tỉnh, Ông sẽ có những giải pháp nào để du lịch Khánh Hòa thực sự là điểm đến mà du khách muốn đến và ở lại để thưởng thức?
- Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, khu vực nên chắc chắn du lịch quốc tế chưa thể phục hồi trong năm nay. Vậy Sở Du lịch cần có những giải pháp gì để đẩy mạnh du lịch nội địa, đồng thời phải đảm bảo được “an toàn du lịch” cho du khách đến Khánh Hòa?
Văn bản trả lời: Văn bản số 1007/SDL-QLLH ngày 21/7/2020 của Giám đốc Sở Du lịch
III. VẤN ĐỀ KHÁC
1. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Minh Long đối với ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch (là tiêu chí số 1) đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại.
Tính đến tháng 9/2019, cả nước đã có 4.554 xã (chiếm 51,16% số xã) đạt chuẩn NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,32 tiêu chí/xã và không còn địa phương nào còn xã dưới 5 tiêu chí; có 93 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhưng thực tế cho thấy, chất lượng các đồ án quy hoạch của một số xã còn thấp, thiếu sự liên kết giữa bố trí dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng, vùng sản xuất tập trung thiếu tính liên kết vùng. Chủ yếu đáp ứng yêu cầu xây dựng trước mắt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Việc quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch thiếu chặt chẽ, quy hoạch không mang tính khả thi, do đã lạc hậu, hoặc là sự sao chép, không gắn với điều kiện đặc thù của địa phương; tình trạng nhà ở của Nhân dân xây dựng không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm đang diễn ra phổ biến, làm cho không gian, kiến trúc nhà ở nông thôn nhiều nơi lộn xộn, gây mất mỹ quan. Một số hộ dân sau khi thực hiện chương trình xong thì nợ tiền chính sách, ngân hàng… Việc nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở nông thôn; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cán bộ cấp cơ sở về cách làm, phương pháp có sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm an ninh trật tự, nhân rộng mô hình tự quản tại nông thôn là điều cần thiết.
Đồng chí cho biết về thực trạng và các giải pháp tổ chức thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Văn bản trả lời: Văn bản số 2263/SNN-VPĐP ngày 20/7/2020 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2. Câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Lê Thị Mai Liên đối với ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Những năm qua, các địa phương và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…
Sau gần 5 năm triển khai (giai đoạn 2016 - 2020), đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, gồm: Ốc hương Khánh Hòa, sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, dừa xiêm Ninh Hòa, hoa cúc Ninh Giang, gạo Ngọc Quang, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, táo Cam Thành Nam. Các sản phẩm này đã được đăng ký xác lập quyền bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ dưới các hình thức là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể có mang tên địa danh và được quản lý bằng Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng… nhằm bảo vệ uy tín, giá trị thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện nay, theo đánh giá của các địa phương có sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu thì giá trị kinh tế của các sản phẩm này được nâng cao rõ rệt so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm nông sản sau khi được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, công tác tổ chức sản xuất, quản lý quy trình canh tác, quản lý chất lượng, đầu vào đầu ra sản phẩm chủ yếu do người dân, đơn vị sản xuất tự thực hiện; chưa được kiểm soát chặt chẽ và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước nên kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn là thông qua thương lái tại vườn. Do đó, việc rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” là điều khó tránh khỏi.
Vậy xin được hỏi Ông:
- Trách nhiệm của ngành nông nghiệp về quản lý nhà nước đối với các sản phẩm đã được xác lập quyền bảo hộ nhất là bao tiêu nông sản hiện nay với các sản phẩm nói trên như thế nào để tránh thiệt hại cho người dân.
- Hiện nay, một số tỉnh khi xây dựng thương hiệu bảo hộ cho các nông sản của địa phương thì song song với đó cũng tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị của sản phẩm. Vậy với phạm vi, trách nhiệm của ngành nông nghiệp, Ông có cảm thấy “chậm trễ” và “sốt ruột” đối với các sản phẩm nông nghiệp đã tốn rất nhiều công sức để được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu khi đang bị “thả nổi” giá trị hiện nay.
Văn bản trả lời: Văn bản số 2274/SNN-NVTH ngày 20/7/2020 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn