Trong Nhà nước pháp quyền, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một yêu cầu cấp thiết gắn cùng trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của các chủ thể trong xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng được nâng cao. Về cơ bản các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ đã nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đúng trình tự, thủ tục, kịp thời, có tính khả thi cao, việc theo dõi thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có những quy định đặt ra rất khó thi hành và đảm bảo thực hiện áp dụng pháp luật đúng luật pháp. Trong phạm vi bài viết, tác giả bàn về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được quy định tại Khoản 9 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.
Theo nội dung quy định tại Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì Hội đồng nhân dân bầu các chức danh: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch HĐND, các Trưởng ban và Phó Trưởng ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh (trong số đại biểu HĐND) và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND (theo giới thiệu của Chủ tịch UBND). Sau khi hội đồng nhân dân tiến hành bầu xong các chức danh nói trên người đượcc bầu giữ các danh này thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi Hội đồng nhân dân bầu.
Tuy nhiên, Khoản 10 Điều 83 của Luật quy định:” Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân phải gửi kết quả bầu đến cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này để phê chuẩn. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả bầu, cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, phê chuẩn; trường hợp không phê chuẩn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn” . Nội dung Điều luật rất rõ ràng, tưởng chừng không có vấn đề gì vướng mắc về mặt kỹ thuật luật pháp, tuy nhiên, nếu chúng ta suy xét khi các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ngay sau khi bầu thì sẽ có các tình huống pháp lý xẩy ra, mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước. Đó là: Khi các chủ thể này không được cơ quan, người có thẩm quyền phê chuẩn thì các văn bản mà chủ thể này đã ký phải xử lý như thế nào? bị đình chỉ thi hành hoặc bị bãi bỏ theo quy định pháp luật và kéo theo “nó” là giải quyết hậu quả ra sao nếu các văn bản cá biệt của Chủ tịch UBND đã được triển khai thi hành và người dân, cơ quan tổ chức đã tiến hành hàng loạt các giao dịch?
Đây, rõ ràng là việc thiếu sót của Điều luật khi soạn thảo, cơ quan chủ trì đã chưa tính đến tình huống này nên đã dẫn đến phần giả định và quy định mâu thuẫn nhau.
Vấn đề này là một nội dung phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động lập pháp của Quốc hội. Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có sửa đổi, bổ sung Điều luật để “nó” đi vào cuộc sống./.
Ngọc Gia